Đẩy mạnh số hóa hoạt động du lịch


Trước tình hình dịch Covid-19 vẫn diễn biến phức tạp, ngành Du lịch xác định, trong năm 2021, thị trường nội địa là hướng khai thác chủ đạo, đồng thời lên kế hoạch thí điểm đón khách quốc tế. Để nhanh chóng khôi phục thị trường, ngành Du lịch đặt ra nhiều nhiệm vụ trọng tâm, trong đó có việc đẩy mạnh số hóa, qua đó nâng cao hiệu quả quảng bá và chất lượng sản phẩm…

Di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám đẩy mạnh ứng dụng kỹ thuật số trong triển lãm trưng bày, mang đến cảm xúc mới cho du khách tham quan, trải nghiệm.

Kênh quảng bá hữu hiệu

Đầu tháng 1-2021, Tổng cục Du lịch (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) ra mắt chiến dịch quảng bá trên mạng xã hội Youtube - “Việt Nam: Đi để yêu” với sự tham gia của nhiều youtuber (người sáng tạo nội dung trên Youtube), nhằm kích cầu du lịch nội địa. Chỉ trong 1 tháng, các trải nghiệm bằng hình ảnh được đăng tải trên Youtube đã thu hút hơn 1 triệu lượt người xem, tạo hiệu ứng lớn cho hoạt động quảng bá. Ngoài ra, Tổng cục Du lịch còn phối hợp với Tập đoàn Google (Mỹ) thực hiện triển lãm trực tuyến “Kỳ quan Việt Nam” (Wonders of Vietnam) với 1.369 bức ảnh nghệ thuật chất lượng cao về các cảnh đẹp của Việt Nam, làm nức lòng nhiều tín đồ du lịch trên khắp thế giới. Đây được xem là bước đột phá của du lịch Việt Nam trong ứng dụng công nghệ số để quảng bá đến du khách trong nước và quốc tế.

Việc chuyển đổi số cũng tạo nên diện mạo mới cho du lịch Việt Nam, khi hàng loạt các địa phương, như: Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Đà Nẵng… thực hiện số hóa các điểm đến bằng giao diện ảnh 360, 3D, công nghệ thực tế ảo, hỗ trợ ứng dụng công nghệ QR code tương tác tại các điểm tham quan, bảo tàng, di tích…

Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng cho biết, việc chuyển đổi số được đặt ra từ nhiều năm nay, nhưng khi dịch Covid-19 ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn ngành thì chuyển đổi số được thực hiện một cách quyết liệt, bài bản hơn. “Không chỉ mang đến những trải nghiệm chân thực, việc số hóa hoạt động du lịch còn là kênh quảng bá hữu hiệu cho điểm đến, giúp thu hút thêm khách…”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Hùng nói.

Còn Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ vào lĩnh vực du lịch không chỉ thể hiện ở việc số hóa dữ liệu thông tin điểm đến, mà còn trong hoạt động điều hành, quản lý của các doanh nghiệp, tăng sức hấp dẫn cho các sản phẩm du lịch, những trải nghiệm mới mẻ cho du khách bằng hình thức trực tuyến (online), thực tế ảo.

Chuyển đổi số - bước đi tất yếu 

Việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch thời gian qua cho thấy sự liên kết chặt chẽ của nhiều đơn vị để cùng mang lại hiệu quả cao cho phát triển du lịch. Tại Hà Nội, nhiều điểm đến, như: Khu di sản Hoàng thành Thăng Long, di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, di tích Nhà tù Hỏa Lò… đã ứng dụng công nghệ trong hoạt động du lịch từ nhiều năm nay. Bên cạnh việc sử dụng hệ thống thuyết minh tự động, số hóa tư liệu, nhiều điểm đến của Thủ đô còn liên kết với các công ty chuyên về công nghệ để phát triển các nền tảng số trong việc phục vụ du khách.

Giám đốc Trung tâm Hoạt động văn hóa, khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, đơn vị đã thực hiện thư viện 3D, giúp du khách dễ dàng tra cứu thông tin về bia tiến sĩ khi quét mã QR code. Ngoài ra, trung tâm cũng đưa vào sử dụng công nghệ viết chữ nho trên bảng điện tử để tăng hoạt động trải nghiệm cho du khách. Còn Trưởng ban Quản lý di tích Nhà tù Hỏa Lò Nguyễn Thị Bích Thủy thông tin, đơn vị đã phối hợp với Công ty Lữ hành Hanoitourist cùng nhiều công ty lữ hành khác để quảng bá sản phẩm tour đêm trên website của các đơn vị và các mạng xã hội, ứng dụng Facebook, Zalo.

Nhằm đẩy mạnh việc chuyển đổi số trong phát triển du lịch Thủ đô, Sở Du lịch Hà Nội và Sở Thông tin và Truyền thông Hà Nội đã ký thỏa thuận hợp tác giai đoạn 2021-2025 trong việc nâng cao hiệu quả công tác thông tin, tuyên truyền, quảng bá cho các hoạt động, sự kiện du lịch của Thủ đô; tăng cường ứng dụng công nghệ hiện đại trong công tác thông tin, truyền thông về du lịch. Theo thỏa thuận, Sở Thông tin và Truyền thông tiếp tục lắp đặt 9 điểm wifi miễn phí tại các khu, điểm du lịch bên cạnh các điểm được cài đặt trong năm 2020.

Giám đốc Sở Du lịch Hà Nội Đặng Hương Giang cho biết, sự phối hợp liên ngành sẽ mang lại hiệu quả cao cho việc chuyển đổi số trong hoạt động du lịch của Thủ đô. Trong thời gian tới, Sở tiếp tục đẩy mạnh truyền thông, quảng bá trên mạng xã hội, thực hiện bản đồ số cho du lịch Thủ đô.

Khẳng định chuyển đổi số là bước đi tất yếu trong hoạt động du lịch, Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch Nguyễn Văn Hùng thông tin, Bộ đang xây dựng chính sách có tính đột phá trong phát triển du lịch thông minh, du lịch số đến năm 2045. Đặc biệt, Bộ sẽ tập trung vào việc phát triển hệ thống cơ sở dữ liệu số du lịch Việt Nam; ứng dụng khoa học kỹ thuật vào trải nghiệm của du khách; phát triển các nền tảng số kết nối hệ thống thông tin phục vụ điều hành, quản lý nhà nước đến các địa phương, doanh nghiệp…

Hoàng Lân

Nguồn: Báo Nhân dân

Bài viết liên quan