NỒI CƠM CỦA CÔ GIÁO – CHUYỆN VỀ BUỔI GẶP GỠ ĐẶC BIỆT TẠI TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG


NỒI CƠM CỦA CÔ GIÁO – CHUYỆN VỀ BUỔI GẶP GỠ ĐẶC BIỆT TẠI TRUNG TÂM GIÁO DỤC QUỐC PHÒNG

Mười năm về trước, các cô giáo Khoa Văn – Xã hội đã làm nên kỷ niệm không thể nào quên cho đội bóng sinh viên Khóa 5 – khóa của những đứa con đầu lòng nhiều yêu thương và vụng dại. Bữa ấy, đội bóng Khoa Văn, vượt qua định kiến về một tập thể nữ nhi đào liễu, “âm thịnh dương suy” đã hào hùng ra trận. Để động viên học trò, các cô giáo trong khoa, từ hai cô chủ nhiệm đến các cô giáo trẻ măng mới về hợp đồng áp dụng chế độ chăm sóc đặc biệt bằng một nồi cháo “siêu to khổng lồ”, được gom góp bằng tinh thần “xã hội hóa”. Cô Ngân góp gạo, cô Thái thịt gà, cô Phương hành mùi, cô Hồng củi lửa… Cứ thế, trò đổ mồ hôi trên sân, thầy rơi mồ hôi bên bếp. Kết quả trận bóng ấy thế nào, không mấy ai nhớ, nhưng hình ảnh phút giải lao, thầy trò xúm xít bên nồi cháo thơm thì chẳng ai quên được. Đúng là “những người không được ăn cháo gà thì chẳng bao giờ biết cháo gà rất ngon!”. Và kỷ niệm trong trẻo ấy, cùng thầy trò đi mãi, kể cả đến một ngày “quả bầu mẹ” tách ra, thành Khoa Luật, Khoa Khoa học xã hội và nhân văn, Khoa Báo chí truyền thông và Văn học và Khoa Du lịch…

Một ngày đầu đông ngồi hàn huyên, giữa lúc bàn chuyện K16 đang huấn luyện tại Trung tâm giáo dục Quốc phòng, ký ức nồi cháo ùa về trong trí nhớ cô Trưởng Khoa Phạm Thị Phương Thái. Gần như chẳng mất một chút nào cho việc lăn tăn, cả Khoa đi đến quyết định hỏa tốc: Dẫu thịt lợn giờ có là 200 một kilogam đi chăng nữa, cũng quyết đãi học trò một bữa cơm nhiều thịt (bởi nồi cháo chỉ đủ năng lượng cho 45 phút thi đấu hiệp hai, chứ muốn làm chú bộ đội thì cứ phải có “cơm trắng mới giò”).

Hơn một tuần từ khi lên kế hoạch, những nồi cơm, đĩa thịt, khoanh giò của thầy cô giáo Khoa Du lịch đã bập bùng trên bếp, chờ giờ “thăm gặp” hơn một trăm chiến sĩ K16. Cô Phạm Thị Hồng Nhung chia sẻ:  “Chưa bao giờ tôi được vào bếp với một cái nồi to như vậy, một sự hưng phấn cao độ đến vậy”. Cô Đào Hồng Thúy thì háo hức: “Giá như phải mùa sen, thì đến phải lội bùn đi lấy lá gói xôi, chúng tôi cũng sẵn sàng”. Cô Kim Anh “huy động” cả gia đình tay dao tay thớt; các thầy cô khác có bận tiết giảng không thể vào bếp thì chốc chốc lại vào group Khoa để ngóng chỗ này, trông chỗ khác. Quả là “Nhà bao việc!”, và ai đó đa cảm sẽ thấy, hình như  đâu đây, không khí ngày Tết đang về.

Để tận mắt chứng kiến giây phút “trùng phùng hội ngộ”, cô giáo trưởng Khoa phải dồn hết tốc độ, di chuyển thần tốc từ thủ đô Ba Đình về thủ đô gió ngàn, giữa lúc trời chiều chập choạng. Và kịch bản định trước trong đầu các cô đã không diễn ra, bởi nó bùng bổ hơn nhiều lần tưởng tượng. Trong màu áo xanh đồng phục,  ánh mắt, cụ cười của học trò rạng rỡ trăm đứa như một. Phút giây ấy, chẳng thể phân biệt học trò nghịch, trò ngoan, chỉ thấy những đứa con của cùng một mẹ. Đại tiệc có thịt, có giò, có quả, có xôi, thật vui như tết. Rồi những trò chơi, những bài hát, những chuyện trò to nhỏ cứ cuốn thầy trò đi theo – toàn thứ “của nhà làm được”. Đến cả khâu “hậu sự kiện” tưởng như chẳng ai thích cũng thành trò thú vị khi cánh đàn ông tự nguyện dọn dẹp bằng cách mở một cuộc thi. Đi qua những giây phút ấy, mới thấy yêu sao nghề du lịch, nghề của những hoạt náo rộn ràng, cho mọi người và cho cả chính mình.

Sau bữa tiệc trong trung tâm, lại thấy một bữa tiệc trên mạng xã hội với bao cảm xúc thăng hoa của “người lính”. Bạn Lương Thành, sinh viên lớp Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành K16 chia sẻ: “Trước khi đi học, em đã có 3 năm nghĩa vụ. Chuyện ở tập trung, ăn cơm tập thể, chuyện gác, chuyện phạt đã quen như bàn tay. Và những lần bố mẹ đến thăm với khăn đùm áo gói cũng không còn xa lạ. Vậy mà hôm nay, được gặp các thầy cô, ăn bát cơm, miếng giò do chính bàn tay thầy cô gói ghém, chăm chút, em vẫn cảm động như được làm lính lần đầu”.

Hôm nay gió mùa Đông Bắc, chẳng có “tấm áo chiến sĩ mẹ vá năm xưa” nhưng tin rằng, tình cảm và những kỷ niệm ấy sẽ làm ấm lòng các chiến sĩ Khoa Du lịch trong Trung tâm Giáo dục Quốc phòng lộng gió. Hẹn gặp lại các em K16 ngày trở về. Và hẹn K17 một ngày không xa!

Một số hình ảnh của chương trình:

 

                                                    Khoa Du lịch

                                         

 


Bài viết liên quan