Đặc thù của ngành du lịch là đòi hỏi nhiều kinh nghiệm - điều mà sinh viên khó có thể cảm nhận, tích lũy được nếu chỉ giới hạn việc học trên lớp. Chính từ yêu cầu này, “lớp học ngoài giảng đường” là những chuyến đi tour thú vị của sinh viên đã ra đời. Tôi xin kể lại chuyến đi tour đầu tiên trong đời của mình- một sinh viên năm nhất khoa Du lịch- trường Đại học Khoa học. Một chuyến đi nhưng là dấu ấn sâu đậm, là lời nhắc nhở tôi vượt qua khó khăn để làm nghề mà mình yêu thích, đam mê.
Là người dân tộc thiểu số có hoàn cảnh gia đình khó khăn, tôi luôn mang trong mình mơ ước giản dị trở thành hướng dẫn viên du lịch. Để theo đuổi ước mơ ấy, tôi đã phải vận động, thuyết phục gia đình được theo đuổi con đường học tập. Và đó là duyên cớ mà tôi trở thành tân sinh viên DU LỊCH.
Mặc dù biết trong cuộc sống sẽ có muôn vàn những khó khăn, điều kiện sức khỏe không tốt nhưng chưa bao giờ tôi có cảm giác thấy mình bất lực như thời điểm đó. Một mình xuống Hà Nội để khám lại căn bệnh đã theo tôi 3 năm mà trong người chỉ có vẻn vẹn 900.000 đồng. Đến nơi, trả tiền xe xong, tôi không dám tiêu số tiền còn lại. Cầm hóa đơn viện phí, tôi giật mình lo lắng vì không thể nào nghĩ đến số tiền khám bệnh lại lớn như vậy. Run rẩy, lo sợ, bế tắc khi trong người chỉ còn có 30 ngàn đồng, tôi muốn quay lại Thái Nguyên nhưng không đủ tiền xe. Tôi không biết đi đâu về đâu và bằng cách nào? Vừa đi nước mắt vừa rơi, tôi đã gọi cho bố mẹ và người bạn thân của tôi nhưng cả hai đều không thể liên lạc được. Đứng giữa đô thị đông đúc, cảm giác như mình thật nhỏ bé và bị cả thế giới bỏ quên, tôi gần như rơi vào trạng thái bế tắc. Nhưng rồi trấn tĩnh bản thân và nghị lực trong tôi trỗi dậy “cuộc sống luôn có những khó khăn và phải có khó khó khăn thì mới có thành công”.
Tôi nhìn sang đường và thấy có chi nhánh tuyển người dẫn tour theo giờ. Và lửa nghề DU LỊCH trong tôi đã thắp sáng con đường để tôi có thể đi trong thời điểm bế tắc này. Tôi nghĩ mình học ngành du lịch vậy nên mình có thể vận dụng những kiến thức ít ỏi mà mình đã học được trên giảng đường và tự học để thực hành nghề và biết đâu có thể được trả công để có tiền trả tiền xe khách. Vừa lúc đó, có hai vị khách trung niên người Mỹ và một cô bé khoảng chừng 8 tuổi sang nhờ tôi chỉ đường. Tôi đã vui vẻ nhận lời và chỉ nghĩ đơn giản là mình giúp họ. Du khách này đã đưa một bản đồ chỉ đường bằng tiếng Việt và họ muốn tôi đưa họ đi thăm khu vực hồ Hoàn Kiếm. Và thế là tôi đã là hướng dẫn viên cho tour du lịch đầu tiên trong hành trình học, làm nghề của mình- city tour quanh hồ Hoàn Kiếm.
Chúng tôi bắt đầu cuộc hành trình của mình qua những con đoạn đường không xa, qua những phố xá quanh co ô bàn cờ và quãng đường ngắn ngủi đó đủ để chúng tôi có những cuộc trò chuyện nho nhỏ về Hà Nội, về cao nguyên đá Hà Giang quê tôi. Bằng vốn tiếng Anh, tôi đã cố gắng truyền tải đến cho du khách vẻ đẹp, giá trị lịch sử của Hồ Gươm, về mảnh đất Thăng Long nghìn năm văn hiến. Nhưng vì vốn tiếng Anh còn hạn chế nên tôi không thể nói được nhiều, còn nhiều cảnh đẹp về quê hương đất nước mà tôi chưa chia sẻ được cho du khách. Lúc này, tôi thấy giá như mình học tiếng Anh sớm hơn, nhiều hơn, tốt hơn. Vì gia đình không có điều kiện, nên tôi toàn tự học. Tôi đã thiết lập mục tiêu, phải thuộc 10 từ mỗi tối thì mới được đi ngủ song tôi còn phải cố gắng học tiếng anh tốt hơn nữa. Và cả những kiến thức, kỹ năng nghề, kỹ năng mềm tôi còn phải học để đạt ước mơ thành hướng dẫn viên du lịch quốc tế của mình.
Và một điều nó khiến tôi thực sự vui vẻ và quên đi những buồn phiền của bản thân đó là sự thân thiện của du khách. Bé gái rất thích tôi, suốt quãng đường, cô bé luôn đi bên cạnh tôi, thậm chí còn đưa ra lời đề nghị khiến tôi vô cùng cảm động: “Em có thể cầm tay chị được không?”. Chúng tôi đã có những trải nghiệm vui vẻ bên hồ Hoàn Kiếm. Tôi vừa đóng vai hướng dẫn viên, vừa tận hưởng cảm giác của du khách miền sơn cước đến thăm thủ đô trong một ngày chính thu đẹp dịu dàng. Thật tiếc, là điện thoại tôi bị hỏng nên không ghi lại những khoảnh khắc đẹp trong tour du lịch đầu tiên này. Sau đó, chúng tôi đã dừng chân và dùng bữa trưa tại một nhà hàng sang trọng bên bờ hồ Gươm. Đúng là một chuyến đi như mơ mà tôi không thể ngờ mình có thể thực hiện sớm như vậy.
Sau đó, du khách nam đã đưa cho tôi 600 nghìn đồng và nói: “cảm ơn bạn đã đưa chúng tôi đi thăm quan, đặc biệt cảm ơn sự thân thiện của bạn, chúng tôi thực sự rất vui trong chuyến đi này, bạn đáng được nhận số tiền này”. Tôi đã nhận số tiền mà họ đưa và nói lời chào tạm biệt. Riêng cô bé trước khi đi cô bé đã ôm tôi và nói: “Em sẽ nhớ chị”. Tôi đã thật sự rất xúc động trước những lời tình cảm của cô bé.
Giữa lúc bế tắc nhất lại nhận được một sự ưu ái lớn: vừa được làm nghề, được du khách quốc tế yêu quý, vừa được nhận số tiền thù lao quá lớn, tôi vui mừng khôn xiết. Tôi đã kể lại câu chuyện của mình cho cô chủ nhiệm và cô mong muốn kể lại trước lớp trong giờ sinh hoạt, và kể cho nhiều bạn sinh viên cùng ngành được biết. Câu chuyện nhỏ bé của tôi chỉ mong muốn gửi gắm thông điệp, là bài học tôi rút ra sau chuyến đi. Đó là sinh viên Du lịch hãy tích cực học tiếng Anh, hãy tích cực học, rèn nghề và tự tin thực hiện nghiệp vụ nghề của mình. Và một điều nữa tôi chiêm nghiệm ra là hãy tử tế, thân thiện với mọi người xung quanh bạn sẽ nhận được những sự hồi đáp chân thành.
Chuyến đi cho tôi thấy mình thực sự có duyên với nghề và tràn đầy hứng khởi bước chân vào nghề… Tôi yêu Du lịch!!!
Lù Thị Chăm chia sẻ lại câu chuyện của mình trong buổi sinh hoạt lớp
Lù Thị Chăm trong trang phục dân tộc
Lù Thị Chăm
Sinh viên lớp Quản trị Dịch vụ Du lịch và Lữ hành K16 A