Dù được đăng ký số lượng nguyện vọng không giới hạn, các thí sinh cũng nên cân nhắc và sắp xếp nguyện vọng hợp lý, nên tập trung, đầu tư vào mục tiêu chính, không đặt quá nhiều “cửa”.
Trong kỳ tuyển sinh năm nay, thí sinh tiếp tục được đăng ký không giới hạn số lượng nguyện vọng. Nguyện vọng được xét theo thứ tự ưu tiên từ cao xuống thấp (nguyện vọng 1 là nguyện vọng cao nhất). Đối với các trường đại học, Bộ GD&ĐT vẫn hỗ trợ lọc ảo đợt 1 của mùa tuyển sinh.
Thống kê qua các năm của Bộ cho thấy, trong đợt 1 xét tuyển, thí sinh trúng tuyển chủ yếu ở 1-3 nguyện vọng đầu tiên. Đây là những nguyện vọng được thí sinh cân nhắc rất kỹ và thường là những nguyện vọng yêu thích nhất. Vì vậy, nhiều thí sinh dù trúng tuyển ở nguyện vọng xa hơn cũng không nhập học.
"Do đó, thí sinh nên tập trung, đầu tư vào mục tiêu chính, không đặt quá nhiều “cửa”. Theo tôi, thí sinh chỉ cần đăng ký dưới 10 nguyện vọng là đủ", PGS.TS Nguyễn Thu Thủy, quyền Vụ trưởng Vụ Giáo dục đại học (Bộ GD&ĐT) cho hay.
Cũng giống quan điểm của bà Thủy, PGS.TS Lê Thị Thanh Hải, Trưởng phòng Đào tạo (Đại học Thương mại) cho rằng năm nay, độ phân hóa của đề thi tốt nghiệp không cao nên mức điểm như nhau sẽ nhiều. Vì vậy tại ngưỡng điểm trúng tuyển dễ xảy ra tình trạng có nhiều thí sinh bằng điểm nhau.
Sau khi xét tiêu chí phụ của trường sẽ có lọc ảo của Bộ theo thứ tự nguyện vọng ưu tiên nên có thể xảy ra tình huống thí sinh đạt điểm chuẩn nhưng vì đăng ký nguyện vọng xa quá nên không trúng tuyển vào trường.
Cách đăng ký nguyện vọng dễ đỗ
Thí sinh có thể đăng ký xét tuyển theo các bước gợi ý như sau:
Bước 1: Lập bảng danh sách các trường, các ngành mình đang quan tâm (nên căn cứ vào sự yêu thích, thế mạnh, cơ hội việc làm, phẩm chất cần có...)
Bước 2: Lựa chọn ra tầm 6 ngành/trường mà có điểm chuẩn năm trước dao động quanh điểm thi của mình (có thẻ dựa vào điểm trung bình của những đợt thi thử, năng lực học do bản thân tự đánh giá...).
Bước 3: Loại ra khỏi danh sách những trường có điểm chuẩn các năm trước quá cao so với điểm của bạn. Chẳng hạn: Bạn được 20 điểm, bạn không nên đăng ký xét tuyển vào những trường mà các năm trước lấy 27-28 điểm.
Bước 4: Sắp xếp thứ tự các nguyện vọng ngành/trường theo sự ưa thích của bạn, ngành/trường nào yêu thích nhất để nguyện vọng 1, yêu thích vừa phải để nguyện vọng 2... Nếu không trúng tuyển nguyện vọng 1 hay 2, thí sinh vẫn còn tiếp tục có cơ hội xét tuyển các NV3, NV4, NV5 … bình đẳng với tất cả các thí sinh có cùng ngành/trường xét tuyển. Thí sinh dù đăng ký ở các thứ tự nguyện vọng khác nhau vào một ngành thì đều được xét như nhau.
Ví dụ, một thí sinh đạt 16 điểm vẫn có thể đăng ký như sau:
- NV1 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 16.
- NV2 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 15.
- NV3 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 14.
- NV4 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 13.5
- NV5 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 13.5
- NV6 vào ngành có điểm chuẩn năm ngoái là 13.5
Hãy chắc chắn rằng có 1 vài nguyện vọng vào những ngành/trường có điểm chuẩn các năm thấp hơn điểm của mình để đảm bảo cơ hội đỗ đại học.