KHOA DU LỊCH TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI THẢO "THEN VIỆT BẮC TRONG PHÁT TRIỂN DU LỊCH"


 

Nhằm khẳng định, tôn vinh giá trị trường tồn của Di sản thực hành Then, chào mừng sự kiện Thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái được UNESCO vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại vào ngày 13/12/2019, đồng thời tạo diễn đàn học thuật - thực tiễn cho các nhà nghiên cứu, nhà quản lý kinh doanh du lịch quan tâm về Di sản thực hành Then, qua đó tìm kiếm các giải pháp khả thi trong việc khai thác Then Việt Bắc trong phát triển du lịch, ngày 11/01/2020, Khoa Du lịch, Trường Đại học Khoa học đã phối hợp với Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên tổ chức thành công Hội thảo “Then Việt Bắc với phát triển du lịch”.

      Việt Bắc được đánh giá là khu vực có hệ thống tài nguyên du lịch nhân văn nổi trội. Một trong những di sản văn hóa tiêu biểu của Việt Bắc là Then. Then thường được bà con tổ chức mỗi dịp tết đến xuân về hay khi gia đình có việc gì đó liên quan đến đời sống tâm linh như giải hạn, cầu mùa, cầu an, cầu phúc, mừng thọ… Then Việt Bắc đã thể hiện đầy đủ bản chất nhân sinh qua việc phản ánh đời sống người Tày, Nùng trên một không - thời gian rộng lớn; chứa đựng vô vàn tri thức và thực hành xã hội: từ hệ thống quan niệm tín ngưỡng đến việc giải thích thế giới hiện thực khách quan; từ việc chuẩn bị đến tổ chức nghi lễ; từ việc bảo tồn đến phát huy các giá trị hiện có.

      Dưới góc nhìn du lịch, Di sản Thực hành Then được coi là thế mạnh độc đáo để phát triển, đặc biệt loại hình du lịch văn hóa tâm linh đặc sắc. Khai thác những yếu tố nguyên hợp, tích hợp của Then với tư cách là loại hình văn hóa dân gian đặc sắc của dân tộc thiểu số (nghi thức, tích truyện, âm nhạc, nhạc cụ, trang phục…) để tạo ra điểm nhấn trong du lịch của khu vực Đông Bắc và Tây Bắc sẽ là một hướng phát triển tất yếu.

      Tại Hội thảo ThS. Đặng Thế Anh (Trường Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn) đã có báo cáo về nhận diện các giá trị của độc đáo của Then Việt Bắc trong xã hội đương đại. Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Nông Phúc Tước (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên) chỉ ra điểm độc đáo đáng chú ý về những biểu tượng văn hóa trong Then Kỳ Yên. Từ góc độ nghiên cứu, PGS.TS. Vương Toàn (Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam) đặc biệt quan tâm đến tính hài hòa trong việc phát huy giá trị Then trong bối cảnh hiện đại. Trên phương diện nhà quản lí, theo bà Tô Thị Trang (Phó Giám đốc Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam), cần lưu ý việc phân biệt giữa biểu diễn sân khấu và biểu diễn cộng đồng, để từ đó đưa ra được những hình thức thích hợp cho việc khai thác hát Then vào du lịch. Nghệ nhân ưu tú Phạm Văn Quang (Trường Cao đẳng Văn hóa Nghệ thuật Việt Bắc) khẳng định, việc đào tạo, truyền dạy thực hành Then để bảo tồn và phát huy giá trị của nó là rất cần thiết và phù hợp với xu hướng ngày càng coi trọng giá trị văn hóa nghệ thuật dân gian truyền thống của du lịch hiện đại. Đồng quan điểm về vấn đề này, nghệ nhân ưu tú Hoàng Luận (Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Thái Nguyên) đề xuất việc quân tâm đầu tư và mở rộng các lớp truyền giảng, nâng cao chất lượng thực hành Then; Ở góc độ doanh nghiệp du lịch, Bà Nguyễn Thị Hằng (Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Minh Hoàng), ông Trần Thanh Nam (Giám đốc Khách sạn Habana), ông Hà Mạnh Hoàng (đại diện công ty Cổ phần Du lịch Hanoi redtours) và một số doanh nhân tham dự Hội thảo đề xuất một số giải pháp đáng chú ý như: xây dựng farmtrip để thiết kế, tổ chức tour du lịch gắn liền với loại hình nghệ thuật này; xây dựng sản phẩm du lịch đặc trưng cho Việt Bắc như tour du lịch vừa tham quan vừa trải nghiệm gắn với hát Then, tổ chức festival hát Then tại Thái Nguyên để tạo sự kiện thu hút khách du lịch. Với cách tiếp cận khác nhau, những người tham gia đã đặt ra các ý kiến với những góc nhìn đa chiều, nhưng tựu chung đều gặp nhau ở sự tâm huyết với Then, ở sự trăn trở khi mong muốn phát huy trữ lượng văn hóa của Then để gắn vào phát triển du lịch của Việt Bắc.

      Đáng chú ý, Hội thảo đã đem đến những điều độc đáo khi không chỉ đi vào các trao đổi học thuật, mà còn kết hợp trình diễn các tiết mục Then, tạo ra cơ hội quý giá cho những người tham dự được trải nghiệm “thực tế” qua các diễn xướng sinh động và đầy cuốn hút. Những người tham dự không chỉ được tiếp cận những tri thức cần thiết và quan trọng về Then, mà đã thực sự được đến gần hơn với Then, để từ đó thêm hiểu và trân trọng loại hình văn hóa dân gian vừa được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại này.

      Với ý nghĩa thiết thực như vậy, Hội thảo khoa học “Then Việt Bắc với phát triển du lịch”  đã được tổ chức thành công và góp phần khẳng định, tôn vinh những giá trị trường tồn của Di sản thực hành Then của người Tày, Nùng, Thái; Tạo diễn đàn học thuật và thực tiễn cho các nhà nghiên cứu, các nhà quản lí, kinh doanh du lịch, giảng viên, sinh viên quan tâm về Di sản thực hành Then nói chung và khai thác Then Việt Bắc trong phát triển du lịch nói riêng; Tạo cơ hội cho giảng viên, sinh viên Khoa Du lịch được giao lưu học hỏi với các nhà khoa học, nghệ sĩ nhân dân chuyên nghiệp và nghệ nhân dân gian trình diễn Di sản thực hành Then; Tìm kiếm các hướng nghiên cứu mới và các giải pháp khả thi trong việc khai thác Then Việt Bắc trong phát triển du lịch.

Dưới đây là một số hình ảnh trong sự kiện:

Ảnh 1. PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái (Phó Hiệu trưởng, Phụ trách Khoa Du lịch) đọc báo cáo đề dẫn và điều khiển chương trình Hội thảo

Ảnh 2. PGS.TS. Vương Toàn (Chủ nhiệm Chương trình Thái học Việt Nam) phát biểu về tính hài hòa trong việc phát huy giá trị Then trong bối cảnh hiện đại.

Ảnh 3. Các đại biểu đến tham dự và phát biểu tại hội nghị

Ảnh 4. Đại diện doanh nghiệp khối lữ hành, ông Hà Mạnh Hoàng (công ty Cổ phần Du lịch Hanoi redtours)

đề xuất một số giải pháp khai thác Then trong phát triển Du lịch

Ảnh 5. Đại diện Hiệp Hội Du lịch tỉnh Thái Nguyên, Bảo tàng Văn hóa các Dân tộc Việt Nam, Khu Làng Nhà sàn sinh thái Thái Hải

đến tham dự và phát biểu ý kiến.

Ảnh 6. Trình diễn tiết mục Then do các Nghệ sĩ nhân dân, Nghệ nhân ưu tú biểu diễn

Ảnh 7. Nghệ sĩ nhân dân Triệu Thủy Tiên phát biểu tại hội nghị

Ảnh 8. Các học giả, nghệ sĩ, đại diện doanh nghiệp, giảng viên và sinh viên trường Đại học Khoa học

cùng chụp ảnh lưu niệm

                         Biên tập bài viết: Vân Hương, Khoa Du lịch

Nguồn:

1. Nguồn tư liệu từ Ban tổ chức Hội thảo "Then Việt Bắc trong phát triển du lịch", Khoa Du lịch, ĐH Khoa học, ĐH Thái Nguyên.

2. Báo Văn nghệ Thái Nguyên, Khai thác giá trị Then Việt Bắc trong phát triển du lịch, http://vannghethainguyen.vn/2020/01/11/khai-thac-gia-tri-then-viet-bac-trong-phat-trien-du-lich/

3. Báo Văn nghệ quân đội, Then Việt Bắc với phát triển du lịch, http://vannghequandoi.com.vn/su-kien/van-nghe/then-viet-bac-voi-phat-trien-du-lich

 


Bài viết liên quan