HỘI THẢO KHOA HỌC: NGHIÊN CỨU GIÁ TRỊ VĂN HÓA DÂN GIAN CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ PHỤC VỤ PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH THÁI NGUYÊN


Trong không khí tưng bừng của tuần lễ sự kiện chào mừng ngày nhà giáo Việt Nam - 20/11, ngày 16/11/2018, Khoa Du lịch đã tổ chức thành công Hội thảo khoa học “Nghiên cứu giá trị văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số phục vụ phát triển du lịch tỉnh thái nguyên”. Hội thảo nằm trong khuôn khổ đề tài Khoa học công nghệ trọng điểm của UBND Tỉnh Thái Nguyên, do trường ĐH Khoa học làm chủ nhiệm.

Đến dự hội thảo có đại diện Sở Khoa học & Công nghệ, các cơ sở đào tạo, công ty du lịch và đơn vị truyền thông. Hội thảo đã lắng nghe các báo cáo viên trình bày nhiều vấn đề có giá trị khoa học và thực tiễn xoay quanh văn hóa dân gian các dân tộc thiểu số tỉnh Thái Nguyên và định hướng khai thác, ứng dụng trong du lịch. Nội dung các báo cáo đều được nhận định là có hàm lượng khoa học và nhiều màu sắc: Thạc sĩ Đào Hồng Thúy tâm huyết với nghệ thuật múa rối cạn Thẩm Rộc nhưng trăn trở trước bài toán đưa loại hình biểu diễn có yếu tố tâm linh vào hoạt động lữ hành đại chúng; thầy giáo Trần Thế Dương “làm nóng” hội trường với những ý tưởng sáng tạo làm mới không gian văn hóa dân gian; TS. Lường Thị Hạnh, TS. Mai Thị Hồng Vĩnh đem đến không khí đậm sắc màu ngày lễ tết; TS. Chu Thành Huy khai thác công nghệ thông tin hiệu quả trong bản đồ du lịch… Từ 5 công trình được lựa chọn trình bày, rất nhiều vấn đề thiết thực gắn với du lịch Thái Nguyên được đặt ra, những ý tưởng mới được hé mở như việc xây dựng con đường du lịch để Thái Nguyên hấp dẫn hơn về đêm của TS. Lê Thị Ngân, nhà báo Trần Quốc Nguyên hay quyết tâm thành lập CLB Du lịch của PGS.TS. Phạm Thị Phương Thái…

Hội thảo kết thúc thành công không phải với việc khép lại vấn đề khoa học một cách trọn vẹn mà bởi nhiều ý tưởng, suy nghĩ ngổn ngang vẫn còn quẩn quanh trong suy tư của người đến dự. Rõ ràng, từ việc kiểm nghiệm những giá trị văn hóa dân gian từ góc nhìn của nhà văn hóa, đến việc khai thác nó trên phương diện nhà hoạch định chính sách, người kinh doanh du lịch, tận hưởng nó với tư cách du khách là những khoảng cách dài đòi hỏi sự nghiên cứu kỹ lưỡng và trách nhiệm. Bài toán ấy đang chờ sự vào cuộc của những người vừa làm khoa học, vừa làm du lịch như đội ngũ cán bộ, giảng viên và sinh viên Khoa Du lịch, trường ĐH Khoa học.

 

MỘT SỐ HÌNH ẢNH VỀ HỘI THẢO

Ảnh 1. Toàn cảnh hội thảo khoa học

Ảnh 2. Văn nghệ chào mừng

Ảnh 3. TS. Lường Thị Hạnh với báo cáo: Phát triển du lịch tâm linh trong dịp Tết cổ truyền (trường hợp tỉnh Thái Nguyên).

Ảnh 4. ThS. Đào Hồng Thúy với báo cáo: Bảo tồn và phát huy giá trị múa rối Tày Thẩm Rộc tại tỉnh Thái Nguyên.

Ảnh 5. TS. Mai Thị Hồng Vĩnh với báo cáo: Tết nhảy của người Dao ở Thái Nguyên với hoạt động du lịch.

Ảnh 6: TS. Chu Thành Huy với báo cáo: Ứng dụng GIS xây dựng cơ sở dữ liệu về các điểm tài nguyên văn hóa dân gian tại thành phố Thái Nguyên phục vụ phát triển du lịch.

Ảnh 7: ThS. Trần Thế Dương với báo cáo: Khai thác chất liệu văn hóa dân gian nhằm phát triển du lịch: Từ khó khăn đến hướng xác định - Chọn lựa và biểu hiện thực tế.

Ảnh 8: Khách mời, đại biểu đóng góp ý kiến, thảo luận.

Ảnh 9: Chụp ảnh lưu niệm bế mạc hội thảo.

 

 

 


Bài viết liên quan