Chào mừng các bạn đã đến với điểm thăm quan Hồ Hoàn Kiếm – Đền Ngọc Sơn !
Tôi xin tự giới thiệu, tên tôi là …………….., thuyết minh viên tại điểm. Hôm nay, tôi rất vinh dự được là người đồng hành cùng các bạn trong suốt hành trình Hà Nội xưa và nay.
Thưa các bạn ! Hà Nội – thủ đô xinh đẹp của chúng ta từ lâu đã trở thành đề tài quen thuộc trong thơ ca :
« Hà Nội có Hồ Gươm
Nước xanh như pha mực
Bên hồ ngọn Tháp Bút
Viết thơ lên trời xanh »
Nhắc đến Hà Nội, chúng ta không thể không nhắc đến Hồ Gươm với làn nước xanh êm dịu, mát lành như một tấm gương xanh biếc lung linh phản chiếu giữa lòng thành phố. Nơi đây là Long mạch của Thăng Long, là không gian thiêng, niềm tự hào của người dân Hà Nội nói riêng và người dân cả nước nói chung.
Thưa các bạn, để hành trình của chúng ta diễn ra tốt đẹp, xin các bạn hãy lưu ý giữ gìn vệ sinh môi trường, không dẫm lên cỏ và có phong thái nghiêm trang trong khu thờ tự. Chúng ta sẽ tham quan lần lượt Hồ Hoàn Kiếm và Đền Ngọc Sơn. Các bạn sẽ có 30 phút để thăm quan tự do. Vì vậy, xin các bạn hãy lưu ý đúng 11h chúng ta có mặt tại đây để lên xe ra về. Tôi xin chúc các bạn có một chuyến đi bổ ích và lý thú !
Thưa các bạn, nơi chúng ta đang đứng có thể nhìn bao quát hồ, ngắm tháp Rùa, đền Ngọc Sơn và những điểm nổi bật quanh bờ hồ.
Toàn bộ diện tích của hồ Gươm vào khoảng trên 12 ha, dài 700m. Bao quanh hồ là các phố Lê Thái Tổ ở phía tây, phố Đinh Tiên Hoàng phía đông-bắc, phố Hàng Khay phía nam.
Thực ra tên gọi Hồ Gươm mới có khoảng một thế kỷ nay. Trước đó tên phổ biến là hồ Hoàn Kiếm. Còn trước đó nữa Hồ còn có nhiều tên gọi khác nhau. Thủa xa xưa do hồ có màu nước quanh năm xanh nên còn có tên là hồ Lục Thủy (nghĩa là Nước Xanh). Chuyện kể rằng khi vua Lê Thái Tổ khởi binh chống quân Minh xâm lược, Vua có bắt được một thanh gươm, vũ khí đó theo vua suốt cuộc trường trinh mười năm và cuối cùng Vua đánh đuổi được giặc, giành lại nền độc lập. Đóng đô ở Hà Nội khi đó gọi là Thăng Long, một hôm vua dong thuyền đi chơi trên hồ Lục Thủy thì có rùa vàng nổi lên, vua tuốt gươm chỉ vào rùa thì rùa liền ngậm cây gươm mà lặn xuống nước. Nghĩ rằng đó là khi trước Trời cho mượn gươm để dẹp giặc, nay giặc tan thì sai rùa thần đến đòi lại gươm trả lại cho Trời. Từ đó vua đổi tên hồ thành hồ Hoàn Kiếm tức hồ Trả Gươm mà ngày nay chúng ta gọi tắt là hồ Gươm. Phải chăng truyền thuyết trả gươm đó muốn nói lên khát vọng hòa bình của cả dân tộc Việt Nam. Khi dẹp xong giặc thì gác vũ khí lại để lo sản xuất làm ăn, vì một nên hòa bình lâu dài. Như đứng trên trụ cao, tượng đài vua Lê đội mũ bình thiên chỉ gươm xuống tuyên bố: “Dân tộc ta sẽ không đúc, rèn vũ khí nữa, chỉ dành công sức tạo nên cuộc sống, nhân danh trăm họ, Trẫm xin hoàn lại thanh gươm chiến thắng”.
Truyền thuyết còn có một ý nghĩa sâu xa nữa, theo dân gian, thanh gươm là biểu tượng của Lửa. Nhúng gươm xuống nước là biểu thị của nghi lễ hòa hợp nước lửa. Vâng thưa quý khách, có lẽ chưa ở nơi đâu như mảnh đất này lại được xây dựng trên huyền thoại và truyền thuyết hòa quện suốt chiều dài lịch sử. Từ lúc vua Lý Thái Tổ thấy rồng bay lên khi đậu thuyền ở chân thành Đại La, và đến khi Lê Thái Tổ giữ nước thành công, chuyện trả gươm như gạch nối xứng đáng nhất để tạo nên nét đối xứng tuyệt diệu – Dương: Rồng bay. Âm: Rùa lặn! theo giáo sư Trần Quốc Vượng, bản sắc của Thăng Long – Đại Việt là tổng hòa những giá trị hư và thực, thực mà hư. Huyền mà thực, thực mà huyền!
Thưa các bạn, hồ Gươm được gọi phổ biến với cái tên Hoàn Kiếm từ đó, nhưng cũng có lúc hồ có tên là Vọng, chia hai phần tả-hữu. Theo sử sách, hồ Gươm xa xưa rộng mênh mông, truyền thuyết hồ Gươm có kể tiếp rằng dù sao Vua cũng muốn tìm ra rùa Vàng nên sai quân lính đắp đập ngăn hồ Lục Thủy thành hai nửa, ban đầu cho tát nước từ bên này sang bên kia không tìm thấy rùa, lại tát ngược lại, vẫn không thấy rùa bèn cho là rùa Thần. Sau đó cái đập được giữ lại, nửa hồ phía bắc được gọi là hồ Tả Vọng, phần còn lại phía nam gọi là Hữu Vọng, sau này phần hồ Hữu Vọng bị lấp, hồ Gươm giờ là một phần Tả Vọng. Hồ sau này thời chúa Trịnh còn được dùng làm chỗ tập luyện thủy quân nên còn gọi là hồ Thủy Quân.
Ngày nay hồ Gươm xanh tươi quanh năm với hàng cây được trồng quanh bờ hồ, đã có thi sỹ ví hồ Gươm như sóng mắt biếc và hàng cây xanh như hàng mi của hồ Gươm- hàng mi của đôi mắt người thiếu nữ. Ai đã từng một lần ngắm hồ từ trên cao vào đầu hạ sẽ không khỏi thảng thốt trước bức tranh đầy màu sắc và nên thơ của những cây bằng lăng tím rạng rỡ xen giữa những hàng phượng cháy đỏ rực, những cơm nguội chín vàng. Mùa thu, hồ Hoàn Kiếm không chỉ là một thắng cảnh đẹp với những rặng liễu rủ bên bờ mà còn là những tàng cây ngả xuống vòng tay ôm lấy mặt nước hồ biếc xanh màu ngọc lấp lánh nắng vàng.
Chắc các bạn đang ngắm nhìn tháp rùa ở phía xa giữa hồ? Vâng, thưa các bạn! Tháp Rùa đã từ lâu trở thành biểu tượng thân thiết của thủ đô Hà Nội, mặc dù tháp chỉ được xây vào nửa cuối thế kỷ 19. Gọi là tháp Rùa vì tháp được xây trên đảo rùa, là gò đất nhỏ nổi lên giữa hồ làm nơi rùa hồ Gươm thường lên phơi nắng hay đẻ trứng, gò đất này các cụ vẫn gọi nó là Quy Sơn tuy chỉ cao hơn mặt nước hồ 60cm (vì theo thuật phong thủy “ cao một tấc thì cũng là một ngọn núi”). Về sự tích xuất hiện tháp Rùa cũng rất lý thú, truyền thuyết kể lại rằng, trên đảo rùa có huyệt quý, nếu đem hài cốt song thân tang vào đó thì con cái đời đời vinh hiển. Năm 1884, Pháp đã làm chủ Hà Nội. Một tên tay sai của thực dân là Bá Kim xin được xây tháp trên gò rùa và lén đặt hài cốt cha mẹ mình vào đó, nhưng sự việc không thành nhưng đã hứa với mọi người là xây tháp nên hắn đành ngậm bò hòn làm ngọt xây nốt tháp rùa. Để thưởng công cho Bá Kim, thực dân Pháp đặt tên tháp là tháp Bá Kim, nhưng nhân dân Thủ đô vẫn gọi là tháp Rùa. Tuy truyền thuyết Bá Kim xây tháp rùa để tang hài cốt cha mẹ chỉ là truyền thuyết dân gian, được lưu truyền và phần nào đó tạo nên tính thiêng liêng, ly kì của tháp Rùa!
Hơi xa một chút nhưng chắc quý khách cũng có thể thấy, tháp rùa được xây theo hình chữ nhật, có ba tầng và một đỉnh.
Tầng một xây trên móng cao 80cm, tầng này hình chữ nhật, mỗi mặt tháp đều có những ô cửa hình vòm, mặt chiều dài có 3 cửa, mặt chiểu rộng có 2 cửa, tổng cộng bên ngoài có 10 cửa. Bên trong tháp tầng 1 còn được phân ra làm ba gian và có 4 cửa thông với nhau. Vậy tổng cộng tầng một có 14 cửa.
Tầng hai cũng tương tự nhưng diện tích nhỏ hơn.
Tầng ba nhỏ hơn nữa, chỉ có 1 cửa hình tròn ở mặt phía Đông.
Tầng đỉnh chỉ như một vọng lâu, vuông vức. trên tường mặt phía Đông có ba chữ Quy Sơn Tháp tức Tháp Núi Rùa.
Như vậy, Tháp Rùa tuổi đã dư một thế kỷ, dù lịch sử không có gì đáng kể, cũng đã là mtj bộ phận hữu cơ cảu hồ Gươm, là một phần của tâm hồn Hà Nội.
Thưa các bạn, ngoài Quy Sơn có Tháp Rùa, hồ Gươm còn có một núi nữa đó là Ngọc Sơn, nói đến Hồ Gươm, nói đến Tháp Rùa thì không thể không nhắc đến Đền Ngọc Sơn. Vâng, thưa các bạn, các bạn có thể dễ dàng nhận ra rất gần bên trái trước mặt của chúng ta là hai chữ Ngọc Sơn được viết sơn màu đỏ trên tấm bình phong của Đền quay mặt phía chúng ta. Cũng thật khó khi đứng xa mà miêu tả quần thể kiến trúc vừa có ý nghĩa sâu xa, vừa có cấu tạo đẹp đẽ này! Tôi xin được giới thiệu đôi nét nổi bật nhất về quần thể đền Ngọc Sơn
Đền Ngọc Sơn tọa lạc trên đảo Ngọc, giữa sóng hồ. đảo có tên là Ngọc vì theo truyền thuyết có tiên xuống tắm. sau này được gọi là Ngọc Sơn vào thời Trần. Ở đây vốn có ngôi đền thờ những liệt sỹ hy sinh trong kháng chiến chống Nguyên Mông. Đền lâu ngày tự đổ. Đến thời Lê Chiêu Thống, có nhà nho tên là Tín Trai xây ngôi chùa đặt tên là chùa Ngọc Sơn. Sau này thời Nguyễn, năm vua Thiệu Trị thứ ba chùa được nhường cho một hội từ thiện đổi làm đền Tam Thánh thờ Văn Xương Đế Quân và gọi là Đền Ngọc Sơn như bây giờ. Năm Tự Đức, nhà nho Nguyễn Văn Siêu đứng ra tu sửa lại đền, kiến trúc ngày nay còn lại chủ yếu là từ lần trùng tu lớn này!
Không gian bao quanh hồ còn có những di tích lịch sử độc đáo như tượng đài vua Lý Thái Tổ, đền Ngọc Sơn với cầu Thê Húc, Đài Nghiên, Tháp Bút, Đền Bà Kiệu, …và những công trình kién trúc hiện đại, mới được xây dựng hoặc tu tạo nhưng luôn đảm bảo kết hợp hài hòa với cảnh quan vốn có quanh hồ.
Các bạn có thể thấy, hàng ngày, khi qua lại bờ hồ, đi trên đường Đinh Tiên Hoàng, ở đoạn gần phố Hàng Khay, ai cũng thấy sừng sững một ngọn tháp. Đó là tháp Hòa Phong, di tích còn sót lại của chùa Báo Ân. Chùa được thành lập khoảng những năm 1840 -1842 ở bờ Đông Hồ Gươm, mặt trước quay ra sông Hồng, mặt sau dựa vào hồ. Chùa Báo Ân nằm trên khu đất gần 100 mẫu, gồm 180 gian với 36 nóc. Tới năm 1888, Pháp đã phá hủy chùa để xây nhà bưu điện. Chỉ còn tháp Hòa Phong phía sau chùa còn giữ lại, nay ở trên bờ hồ Hoàn Kiếm. Vì chùa có hào nước trồng sen bao quanh nên chùa còn có tên Liên Trì, có nghĩa là “Ao sen”.
Tháp Hòa Phong nằm trên phố Đinh Tiên Hoàng, quận Hoàn Kiếm trước cửa nhà Bưu điện Trung ương, bên bờ hồ Hoàn Kiếm. Đây là di tích cuối cùng của ngôi chùa Báo Ân do Nguyễn Đăng Giai Tổng đốc Hà Nội, kiêm chức Kinh lược sứ Bắc Kỳ đứng ra quyên tiền dựng năm 1842. Chùa Báo Ân làm trên nền lầu Ngũ Long cũ (Trịnh Giang cho xây vào năm 1740). Chùa còn có tên là chùa Liên Trì, do bốn mặt xung quanh có hào nước bao bọc, sen nở phủ kín mặt hào. Chùa cũng có tên là chùa Quan Thượng bởi chùa do Thượng thư Nguyễn Đăng Giai cho dựng lên, nhưng tên chính vẫn là chùa Báo Ân.Chùa Báo Ân đồ sộ, phải mất 4 năm mới xây dựng xong. Sau khi thực dân Pháp đánh chiếm Hà Nội (1883), chúng bắt tay ngay vào việc xây dựng đường phố, phố Đinh Tiên Hoàng là một trong những phố được mở đầu tiên. Năm 1882 chúng cho phá chùa Báo Ân để làm nhà Bưu điện và phủ Thống sứ, nhưng vẫn để lại một cửa chùa ở khoảng nhà Bưu điện bây giờ và một cái tháp ở sau chùa là tháp Hòa Phong hiện nay. Năm 1898 chúng phá bỏ nốt cửa chùa, và chỉ còn lại tháp. Tháp hình vuông, có tên là tháp Hòa Phong, với ý nói gió thuận bốn mùa, bởi tháp có 4 cửa nhìn ra các hướng. Chùa Báo Ân xưa được xây dựng với qui mô lớn trên một diện tích khoảng một trăm mẫu. Mặt trước của chùa trông ra sông Hồng, mặt sau chùa dựa vào hồ Hoàn Kiếm. Trên nền chùa dựng tới 36 ngôi nhà với 180 gian cùng nhiều hành lang, gác chuông, cầu tháp – Chùa được xây dựng trên nền đất hình bát giác (8 góc, 8 cạnh), có tường bao bọc xung quanh, có hào thả sen. Cây cối trong và xung quanh chùa xanh tốt, bóng rợp bốn mùa.Hai chữ Báo Ân, tên của chùa có ý nói về thuyết nhân quả báo ứng của đạo Phật. Những người làm việc thiện, nhân nghĩa có ân đức thì được trở về dương thế thác sinh làm người. Còn những kẻ sống gây nhiều tội ác thì bị trừng phạt, có các quỉ sứ đem đi để trị tội.
Chùa Báo Ân là một công trình xây dựng có tiếng ở Hà Nội vào thế kỷ XIX. Đã từng có thơ vịnh của người đương thời:
Gần xa nô nức tưng bừng,
Vào chùa Quan Thượng xem bằng động tiên.
Lầu chuông gác trống hai bên,
Trông ra chợ mới Tràng Tiền Kinh đô.
Khen ai khéo họa địa đồ,
Sau lưng Đồn Thủy, trước hồ Hoàn Gươm.
Phong quang cảnh trí trăm đường,
Trong xây chín giếng, ngoài tường lục lăng
Rõ mười cửa động tưngbừng,
Đền vàng tòa ngọc chất từng như nêm.
Có du khách đến thăm chùa vào năm 1876 đã ghi: “Cảnh chùa này thật đã nên tốt, vô cửa 2 bên có tháp cao, vào trong có hồ đi quanh co vòng theo chùa. Cầu bắc từ phía qua chùa cũng xây đá gạch hẳn hơi. Xung quanh bốn phía có nhà hành lang, chạy dài ra sau giáp nhau. Đằng sau chùa có đền tạc hình ông Nguyễn Đăng Giai ( trích chuyến đi Bắc Kỳ năm Ất Hợi (1875) của ông Trương Vĩnh Ký).
Những lời ca ngợi của người đương thời chứng tỏ chùa Báo Ân thời đó là một danh thắng, một kiến trúc lớn ở Hà thành. Nay di tích duy nhất của chùa Báo ân còn lại là tháp Hòa Phong. Tháp xây theo hình vuông, có 3 tầng. Hai tầng trên nhỏ dần, trên đỉnh tháp có 4 mái thu nhọn dần tạo thành hình quả bầu tượng trưng cho bầu trời thu nhỏ. Hai mặt tháp đối nhau có 3 chữ “Tháp Báo Thiên” nghĩa là (Tháp trả ơn trời). Hai mặt khác có 3 chữ “Tháp Hòa Phong”. Tháp cao 6m cửa dưới đáy rộng 1,1m tầng hai rộng 1m, cao 1,2m xây gạch Bát Tràng không trát vữa bên ngoài. Tầng ba rộng 0,8m, cao 1m, chóp cao 0,8m. Tầng dưới có kiến trúc như một cái nhà vuông, mái bằng, to hẳn ra. Bốn mặt chính giữa có cửa vòm thông sang nhau, người đi qua lại được. Phía trên bốn góc tầng này xây 4 trụ vuông thấp. Trên đỉnh 4 trụ có đắp 4 con lân chầu nhưng nay chỉ còn 2 con. Ở mỗi mặt đều viết 3 chữ Hán: “Báo Phúc môn” (cửa báo phúc), “Báo Ân môn” (cửa báo ơn) “Báo Đức môn” (cửa báo đức) và “Báo nghĩa môn” (cửa báo nghĩa) thể hiện thuyết “Nhân Quả” của nhà Phật.
Phía dưới bưu điện Hà Nội ngày nay, các bạn sẽ nhìn thấy một không gian kiến trúc hiện đại đó là tượng đài Lý Thái Tổ. Tượng đài đặt tại vườn hoa Chí Linh, nhìn ra hồ Hoàn Kiếm, trung tâm thủ đô Hà Nội khánh thành ngày 7.10.2004 do nhà điêu khắc Vi Thị Hoa sáng tác. Công ti Trách nhiệm hữu hạn Mĩ nghệ Đoàn Kết tỉnh Nam Định thực hiện bằng đồng nguyên chất, đúc liền khối, nặng 32 tấn (tượng 12 tấn, bệ 20 tấn), cao 10,1 m (tượng cao 6,8 m, bệ cao 3,3 m). Đây là một công trình kiến trúc văn hoá đẹp; nhằm tôn vinh vị vua Lý Thái Tổ (974 – 1028), người khởi lập và tạo dựng nên mảnh đất ngàn năm văn hiến đồng thời là công trình chào mừng 50 năm giải phóng Thủ đô (10.10.1954 – 10.10.2004), tiến tới kỉ niệm 1.000 năm Thăng Long – Hà Nội.
Tiếp đến, đối diện với cổng Đền Ngọc Sơn, các bạn sẽ thấy di tích Đền Bà Kiệu và tượng đài cảm tử. Hai di tích này đều nằm trên trục phố Đinh Tiên Hoàng, đối diện Đền Ngọc Sơn và được đặt cạnh nhau. Đền Bà Kiệu tên gọi chính là Thiên Tiên điện. Đền thờ ba vị nữ thần là Liễu Hạnh công chúa, đệ nhị ngọc nữ là Quỳnh Hoa và đệ tam ngọc nữ là Quế Nương. Theo tấm bia 1628 còn trong đền thì đền có tên là “Huyền Chân từ” tức đền Huyền Chân. Chân chứ không phải là Trân. Vì trước có người ngỡ là Huyền Trân và suy diễn là thờ công chúa Huyền Trân. “Huyền” là huyền diệu, “Chân” là chân không. Đây là từ ngữ gốc Đạo giáo. Cuối thời Cảnh Hưng, một vị quan ở Lễ phiên thuộc Phủ chúa Trịnh lấy vườn ao nhà mình cúng cho đền mở rộng phạm vi. Sau đền chuyển cho người ở trấn Hải Dương là Lê Trọng Hiển, Lê Trọng Sinh, Hoàng Thị Bo trông nom thờ cúng. Có thể bà Bo này còn có tên là Kiệu chăng? Vì vậy đền mới có tên là đền Bà Kiệu tức đền của bà đồng Kiệu. Ông Lê Trọng Sinh bỏ tiền ra xây thêm tam quan. Đến thời Tây Sơn đền lại được tu sửa và đúc quả chuông dồng. Đến năm Thành Thái thứ 2 thực dân Pháp mở đường, đền bị dỡ bỏ mất phần điện phía trước.
Cạnh đền Bà Kiệu là tượng đài cảm tử do cố nghệ sĩ Kim Giao sáng tác năm 1984. Tượng đài gồm anh vệ quốc quân và cô gái Hà thành trong trang phục truyền thống ở tư thế chiến đấu – thể hiện tinh thần bất khuất, ý chí dũng cảm của quân và dân thủ đô trong những ngày đầu kháng chiến chống Pháp. Nay tượng được xây mới dựa theo tác phẩm đoạt giải trong cuộc thi sáng tác mẫu tượng đài mới phát động giữa tháng 6 đến tháng 9 năm 2003, đặt tại vườn hoa Vạn Xuân.Tượng làm bằng đá xanh, cao 9,7 m, nặng trên 50 tấn, là công trình kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long.
Thưa các bạn, trải qua bao thăng trầm của lịch sử, ngày nay Hồ Gươm vẫn giữ được nét cổ kính, trang nghiêm vốn có. Tuy các công trình kiến trúc mới cũng đã được xây dựng xung quanh nhưng chúng rất hài hòa và càng làm tôn thêm vẻ đẹp của Hồ Gươm. Ngày nay, hồ còn có rất nhiều ý nghĩa to lớn với cuộc sống của người dân Hà Nội. Hồ điều hòa khí hậu, là nơi sinh hoạt văn hóa, lễ hội, giải trí của người dân, nơi lý tưởng cho các cụ già luyện tập sức khỏe mỗi khi sáng sớm, là cảm hứng cho ngành nghệ thuật: âm nhạc, hội họa… và hơn hết Hồ Gươm là niềm tự hào dân tộc, mãi khắc sâu trong trái tim mỗi người con đất Việt.