Xây dựng thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam dựa trên giá trị di sản và văn hóa ẩm thực


Phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa là bước cụ thể hóa Chiến lược phát triển các ngành công nghiệp văn hóa, Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam thông qua phát huy bản sắc văn hóa dân tộc nhằm góp phần nâng cao giá trị, hiệu quả kinh tế và năng lực cạnh tranh của du lịch Việt Nam.

Đề án xác định mục tiêu định vị thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam dựa trên giá trị văn hóa đặc sắc Việt Nam, tập trung vào giá trị di sản và giá trị văn hóa ẩm thực, qua đó hình thành hệ thống điểm đến, sản phẩm du lịch đặc trưng, có chất lượng, giá trị cao.

Nhật Hoàng và Hoàng hậu xem Nhã nhạc cung đình Huế năm 2017 (Ảnh: Trung tâm bảo tồn di tích cố đô Huế)

Ba nhóm nhiệm vụ sẽ được tập trung triển khai, gồm có: (1) Quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa; (2) Hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, du lịch ẩm thực; và (3) Chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực.

Về quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa, sẽ xây dựng bộ nhận diện thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam về di sản và ẩm thực; xây dựng các ấn phẩm, vật phẩm và các công cụ marketing nhận diện thương hiệu du lịch văn hóa Việt Nam về di sản và ẩm thực; Tổ chức triển khai các chương trình, hoạt động truyền thông thương hiệu du lịch văn hóa như: quảng bá thương hiệu du lịch văn hóa trên kênh truyền hình trong nước và quốc tế, tạp chí du lịch và các báo, tạp chí liên quan; các kênh truyền thông điện tử.

Đồng thời quảng bá tại các hội chợ du lịch; tuần văn hóa Việt Nam; năm du lịch quốc gia; chương trình giới thiệu điểm đến du lịch; chương trình khảo sát phát triển sản phẩm du lịch ẩm thực, di sản; chương trình gặp gỡ doanh nghiệp; các sự kiện về ẩm thực và di sản. Tổ chức đánh giá, công nhận và vinh danh các danh hiệu. Đáng chú ý, sẽ phối hợp lồng ghép những điểm đến du lịch, sản phẩm du lịch về di sản và ẩm thực vào các tác phẩm nghệ thuật (phim, ảnh…).

Về hỗ trợ phát triển sản phẩm du lịch di sản, du lịch ẩm thực, sẽ hỗ trợ nghiên cứu, sưu tầm, biên tập, phục dựng và phát triển các giá trị di sản và ẩm thực để hình thành, gia tăng giá trị các sản phẩm du lịch. Tổ chức hội thảo chuyên đề du lịch di sản và du lịch ẩm thực; các hoạt động đào tạo, bồi dưỡng nâng cao về du lịch di sản và du lịch ẩm thực. Tổ chức các đoàn khảo sát phát triển sản phẩm du lịch di sản và du lịch ẩm thực.

Về chính sách khuyến khích du lịch di sản, du lịch ẩm thực, sẽ tổ chức quy hoạch phát triển các điểm đến du lịch gắn với di sản và ẩm thực. Xây dựng các chính sách phát triển có trách nhiệm với di sản, đa dạng văn hóa, đảm bảo phát triển du lịch bền vững gắn với bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa. Xây dựng công cụ kiểm soát an toàn thực phẩm đảm bảo chất lượng dịch vụ du lịch ẩm thực. Khuyến khích sáng tạo khởi nghiệp gắn kết du lịch với các ngành công nghiệp văn hóa; khuyến khích doanh nghiệp đầu tư phát triển du lịch văn hóa, đặc biệt là văn hóa ẩm thực và di sản.

Ẩm thực Việt Nam rất được bạn bè quốc tế ưa chuộng và đánh giá cao (Ảnh: Internet)

Trong tổ chức thực hiện, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đề nghị Bộ Công Thương phối hợp xây dựng Đề án trong khuôn khổ của Chương trình thương hiệu quốc gia Việt Nam nhằm quảng bá, giới thiệu thương hiệu du lịch văn hóa quốc gia ra thế giới.

Lãnh đạo Bộ giao Tổng cục Du lịch thực hiện vai trò định hướng, điều phối trong công tác phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa; định hướng thị trường, sản phẩm du lịch văn hóa Việt Nam; xây dựng và triển khai các chương trình, kế hoạch phát triển thương hiệu quốc gia về du lịch văn hóa Việt Nam. Chủ trì phối hợp với bên liên quan xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án; hướng dẫn các địa phương, doanh nghiệp thực hiện kế hoạch, bảo đảm triển khai Đề án hiệu quả.

Các đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, phối hợp với Tổng cục Du lịch thực hiện các nhiệm vụ thuộc Đề án này.

Đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phối hợp vai trò bảo vệ di sản, giữ gìn phát huy giá trị của di sản, văn hóa ẩm thực, tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch quốc gia; trên cơ sở định hướng chung về thị trường, sản phẩm có kế hoạch thực hiện các giải pháp, tổ chức hoạt động xúc tiến, quảng bá điểm đến của địa phương.

Đề nghị các hiệp hội nghề nghiệp, các doanh nghiệp phối hợp với Tổng cục Du lịch thực hiện các chương trình xúc tiến, quảng bá du lịch; huy động sự tham gia của doanh nghiệp, đẩy mạnh xã hội hóa trong xúc tiến du lịch.

Trong 2 năm liên tục 2019 và 2020, Việt Nam được Tổ chức giải thưởng Du lịch thế giới (World Travel Awards) bình chọn là Điểm đến Di sản hàng đầu thế giới và 3 hạng mục Điểm đến Di sản, Ẩm thực và Văn hóa hàng đầu châu Á. Qua đó, khẳng định thương hiệu và sức hấp dẫn của du lịch văn hóa Việt Nam trên thế giới, đặc biệt là giá trị di sản và ẩm thực.

Trung tâm Thông tin du lịch

https://vietnamtourism.gov.vn/index.php/items/35097


Bài viết liên quan