Thú vị với những phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi phía Bắc
Khu vực miền núi phía Bắc nước ta là nơi sinh sống lâu đời của nhiều dân tộc thiểu số như: Mường, Thái, Dao, Tày, H’Mông,... Mỗi dân tộc lại có một nét độc đáo riêng biệt trong phong tục đón Tết. Cùng với chúng mình tìm hiểu ngoài việc quây quần bên gia đình thì những dân tộc tại vùng núi phía Bắc nước ta sẽ làm gì để đón Tết Âm lịch sắp đến nhé!
Khám phá những nét độc đáo trong phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi
Người Thái đón Tết độc đáo!
Nhắc tới phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi thì không thể thiếu được cách đón Tết của đồng bào Thái! Tết Nguyên Đán là một trong những ngày lễ vô cùng quan trọng với đồng bào dân tộc Thái! Thông thường khi đến Tết, mâm cơm của họ phải có bắt buộc những món ăn như cơm mới, cá chua, cơm đồ xôi, thịt hươu, nai khô, măng khô, cơm cốm,... Đồng bào dân tộc Thái cũng thường cúng tổ tiên từ ngày 25 tháng Chạp đến mùng 5 Tết tháng Giêng.
Một điểm vô cùng đặc biệt của dân tộc Thái mỗi dịp Tết đến đó là những chiếc bánh chưng họ làm được gói thành 2 loại đen và trắng vô cùng thú vị. Khi làm bánh thì họ cũng cho thêm một ít vừng xay nhuyễn để bánh có thêm mùi vị thơm ngon. Cũng giống như người Kinh, dân tộc Thái cũng kiêng mùng 1 không cãi nhau, không nói to, không quét nhà,... thì cả năm mới suôn sẻ, may mắn.
Một trong những điều thú vị của đồng bào Thái đón Tết nữa đó chính là họ hay đi lấy nước suối vào ngày mùng 1 vì theo phong tục của ông cha để lại, làm như vậy sẽ mang lại nhiều may mắn và sự sống cho các thành viên trong nhà!
Tết nhảy của người Dao
Người Dao ở Việt Bắc thường sắm Tết vô cùng hoành tráng bằng những câu đối dán lên cột nhà, trên vách tường, những món ăn mang đậm truyền thống của dân tộc họ. Đặc biệt, đồng bào người Dao cũng có quan niệm rằng: những ngày đầu năm không được làm việc mà chỉ để dành vui chơi, thăm viếng và chúc tụng nhau.
Tại sao lại gọi là Tết nhảy của người Dao là bơi cứ mỗi dịp Tết đến như thế này, tết nhảy sẽ được tổ chức để rèn luyện sức khỏe cũng như võ nghệ. Những thanh niên trai tráng hay các cô gái thiếu nữ đôi mươi đều phải tập những điệu múa, điệu nhảy để nhảy múa đến hàng trăm lượt trong tiếng trống, tiếng thanh la. Tết nhảy của đồng bào người Dao sẽ được diễn ra trước Tết Nguyên Đán khoảng vài ba hôm. Phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi và đặc biệt là của dân tộc Dao vô cùng phú vị phải không nào!
Tết cổ truyền của người Mông
Cứ mỗi dịp Tết đến xuân về là đồng bào người Mông lại có vô số những lễ hội khác nhau được tổ chức. Một trong số đó nổi tiếng nhất chính là lễ hội Gầu Tào – diễn ra từ mùng 1 Tết đến ngày rằm tháng Giêng. Gia chủ muốn tổ chức lễ hội thi sẽ dựng câu nêu trước nhà để báo hiệu cho mọi người. Cây nêu thường sẽ cao từ khoảng 10 mét đến 12 mét, thân tre nhẵn, bóng, ngọn tre để nguyên lá và được trang trí nhiều màu sắc.
Sau khi cúng lễ xong thì gia chủ sẽ hát những bài ca ngợi bản làng và chúc tụng mọi người nhân dịp năm mới. Hòa vào cùng với tiếng khèn, tiếng sáo là những cô gái, chàng trai trong những bộ trang phục dân tộc múa, hát, mời rượu nhau vô cùng thú vị! Ngoài ra, đồng bào dân tộc Mông còn có rất nhiều những trò chơi truyền thống trong dịp Tết phải kể đến như đánh yến, leo cột lấy bầu rượu,... Nghe thôi đã thấy thật thú vị phải không nào!
Tết của dân tộc Nùng
Làm phong phú hơn cho bức tranh phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi thì không thể thiếu được cách đón Tết độc đáo của dân tộc Nùng! Bắt đầu từ những ngày 28, 29 Tết thì mọi người cũng bắt tay vào dọn dẹp nhà cửa, cọ rửa nông cụ, dán giấy đỏ, treo câu đối Nôm Nùng,... Đặc biệt là những trò chơi ngày Tết vô cùng thú vị như: hát đối đáp, đánh võ cổ truyền, đánh gậy, múa sư tử, ném còn, đá cầu,...
Đêm 30 Tết trên mâm cỗ cúng tổ tiên của đồng bào này luôn phải đầy đủ các món ăn và đặc biệt không thể thiếu món thịt gà sống thiến, khác hẳn với mâm cơm ngày Tết của các miền khác! Và sáng mùng 1 hôm sau thì người con rể phải đi lễ bố mẹ vợ một đôi gà sống thiến để tỏ lòng kính trọng. Trong bữa cơm ngày Tết của đồng bào người Nùng thì không thể thiếu được món bánh khảo và xôi ngũ sắc.
Tết của dân tộc Mường
Tết Nguyên Đán đối với dân tộc Mường ở Sơn La là một trong những lễ hội vô cùng lớn và quan trọng nhất trong năm. Mỗi gia đình đều chuẩn bị những mâm cơm cúng đầy đủ, thịnh soạn để cúng tổ tiên và thánh thần từ bánh chưng, mật, rượu, cơm nếp, thịt luộc, quếch, chả rang, dồi, trầu cau, muối, một ít tiền,...
Bữa cơm ngày Tết của người Mường cũng vô cùng phong phú như các món ớt, nộm thịt, thủ lợn, các loại rau đắng, măng đắng,... Trước khi ăn cơm thì con cháu trong nhà đều phải xếp hàng kính lạy cha mẹ, ông bà. Người già cũng chúc cho con cháu mạnh khỏe, học hành chăm chỉ, ngoan ngoãn nghe lời, sau đó mọi người bắt đầu mời rượu nhau và ăn dần các món ăn. Đặc biệt, ngày Tết cũng là ngày mà những câu hát, những lời mời, lời chúc luôn được bật lên ở bất cứ đâu, càng làm cho không khí Tết thêm đầm ấm và vui vẻ!
Người Hà Nhì đón Tết ra sao?
Nhắc tới phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi thì không thể thiếu đồng bào Hà Nhì ở Điện Biên! Người dân nơi đây thường đón Tết trước Tết Nguyên Đán của người Kinh khoảng chừng 2 tháng. Tết của người Hà Nhì diễn ra trong vòng khoảng 1 tuần và cũng không có một ngày cụ thể.
Việc quyết định ngày nào là do Hội đồng già làng quyết định dựa vào các yếu tố thời tiết, mùa màng, khả năng kinh tế chung,... để quyết định. Sau khi lựa chọn được ngày phù hợp thì theo phong tục, buổi chiều ngày tất niên, mỗi gia đình sẽ cúng một con gà để tiễn biệt năm cũ. Một điều thú vị khi đồng bào người Hà Nhì đón Tết nữa đó chính là họ không gói bánh chưng người nhiều đồng bào khác mà thay vào đó là bánh dù – loại bánh dài hơn 1 gang tay, hình ống. Ngoài ra, họ còn sử dụng bánh dầy, bánh trôi trong dịp Tết của mình.
GỢI Ý TOUR DU LỊCH MIỀN BẮC KHUYẾN MÃI
|
Tết truyền thống của dân tộc Tày
Phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi càng phong phú hơn khi nhắc tới dân tộc Tày! Tết của họ thường bắt đầu vào ngày 30 tháng Chạp và kết thúc vào sáng mùng 3 tháng Giêng. Đến ngày mùng 7 họ bắt đầu công việc lại nhưng chỉ mang tính hình thức chưa thật sự bắt đầu. Và đến ngày 15 tháng Giêng, đồng bào Tày ăn Tết lại – gần giống với cách ăn rằm tháng Giêng của người Kinh.
Gần Tết, ngày 26,27 các gia đình bắt đầu thịt lợn, gói bánh chưng, dọn dẹp nhà cửa đón Tết. Dưới chân bàn thờ của đồng bào người Tày thường được buộc 4 cây mía vì them quan niệm xưa những cây mía ấy là để tổ tiên chống. Đặc biệt, vào mùng 1, các gia đình người Tày kiêng có người không mời mà vào nhà, họ thường chọn mời những người có đạo đức trong bản để xông nhà đem lại may mắn.
Mỗi dân tộc trên dải đất hình chữ S của chúng ta lại có những cách đón Tết khác nhau và phong tục đón Tết của các dân tộc miền núi cũng góp phần làm đa dạng và thêm nhiều màu sắc phải không nào! Khám phá những điều thú vị của các dân tộc và đặc biệt là vào ngày lễ hội lớn như thế này lại càng thú vị hơn biết bao nhiêu!
Hòa Luty (Tổng hợp) - luhanhvietnam.com.vn
Ảnh: Internet.