Nghệ thuật rút hầu bao khách du lịch của Trung Quốc


Với 1,42 tỉ dân, nhu cầu đi du lịch trong và ngoài nước của người Trung Quốc đứng đầu thế giới không có gì lạ. Chi tiêu du lịch ở nước ngoài của người Trung Quốc theo công bố của Tổ chức Du lịch Thế giới (UNWTO) cũng nhất thế giới, đạt 277,3 tỉ đô la Mỹ. Nhưng đáng nể là ngay ở trong nước, người Trung Quốc cũng làm du lịch rất chuyên nghiệp, thu tiền không biết bao nhiêu mà kể và quản lý điểm đến rất tốt.

Phượng Hoàng cổ trấn 1.300 năm tuổi là bảo tàng sống về văn hóa dân tộc của Trung Quốc

Với 149,7 triệu lượt người đi du lịch ra nước ngoài năm 2018, người Trung Quốc chi tiêu trên 277,3 tỷ đô la Mỹ, cao gần gấp đôi chi tiêu 144,2 tỷ đô la Mỹ năm 2018 của khách Mỹ ở nước ngoài, dù số lượt khách du lịch năm 2017 của khách Mỹ đã đạt 153,7 triệu lượt.

Năm 2019, Việt Nam đón khoảng trên 6 triệu lượt khách Trung Quốc, bằng khoảng 1/30 số lượt khách Trung Quốc đi ra nước ngoài, kể như là chẳng thấm vào đâu. Trong khi đó, với hơn 98 triệu dân, năm 2019, cũng có khoảng 4 triệu người Việt Nam đi du lịch Trung Quốc, chi tiêu của người Việt ở Trung Quốc cũng không nhỏ.

Phù Dung trấn (Vương Thôn), thị trấn cổ nằm trên đỉnh thác nước tuyệt đẹp

Những năm trước, tour du lịch Trung Quốc được khách du lịch lựa chọn nhiều nhất vẫn là Bắc Kinh - Thượng Hải- Tô Châu - Hàng Châu; Quảng Châu - Thẩm Quyến; Đại Lý - Lệ Giang; Thành Đô - Cửu Trại Câu - Nga My Sơn… Mấy năm gần đây, Trung Quốc quảng bá liên tục điểm đến mới ở thị trường Việt Nam, người Việt lại lần lượt rủ nhau đi tour Phượng Hoàng Cổ trấn- Trương Gia Giới (tỉnh Hồ Nam).

Rất nhiều công ty du lịch Việt Nam đưa khách đi tour Phượng Hoàng cổ trấn

Chuyến bay charter của Vietjet Air, máy bay A321 kín 230 chỗ, khởi hành từ Hà Nội, đáp xuống sân bay quốc tế Hà Hoa (còn gọi là Đại Dung) thành phố cấp 5 Trương Gia Giới, tỉnh Hồ Nam lúc 21h30 giờ địa phương. Chỉ khoảng 30 phút, đã xong thủ tục nhập cảnh, lấy hành lý. Với chuyến bay thẳng này, khách du lịch tiết kiệm được 6 tiếng đồng hồ so với việc bay tới thành phố Trường Sa (thủ phủ của tỉnh Hồ Nam) sau đó đi xe ô tô tới Trương Gia Giới. Còn với đường bộ, từ Hà Nội lên Lạng Sơn bằng ô tô mất 4 tiếng, từ cửa khẩu Hữu Nghị (Việt Nam) sang Nam Ninh (Trung Quốc) mất 4-6 tiếng tàu hỏa, đi tiếp ô tô thêm 4 tiếng nữa tới thành phố Trương Gia Giới, so với bay thẳng Trương Gia Giới thì khách tiết kiệm 11 tiếng đồng hồ.

Đường bay thẳng từ Hà Nội đi Trương Gia Giới mới được khai thác mấy tháng gần đây, bay vào thứ 2,4,6 hàng tuần đã làm lượng khách Việt Nam đi tour này tăng mạnh. Hầu như chuyến nào cũng kín chỗ. Các công ty Việt Nam phối hợp với đối tác Trung Quốc khai thác mạnh nhất tour này là: Vietravel, Saigontourist, Group tour…

Trong tour Phượng Hoàng Cổ trấn- Trương Gia Giới, khách được tham quan Phù Dung trấn hay còn gọi là Vương Thôn, thị trấn cổ nghìn năm nằm trên đỉnh thác nước, khám phá văn hóa đặc sắc của dân tộc Thổ Gia.

Trấn cổ Phượng Hoàng có lẽ là nơi đẹp nhất Trung Quốc, có tuổi đời 1.300 năm, giống như bảo tàng sống về văn hóa của các dân tộc. Ban ngày Phượng Hoàng cổ trấn trầm tư, cổ kính. Đêm xuống Phượng Hoàng lung linh, hoa lệ như một thiên đường ngập tràn ánh sáng.

Đến Trương Gia Giới, khách có thể tự túc mua vé xem show nghệ thuật Trương Gia Giới Thiên cổ tình của đạo diễn Trương Nghệ Mưu, với giá 380 nhân dân tệ (khoảng 1,3 triệu đồng), vé cầu kính dài 430m ở Đại Hiệp Cốc giá 350 nhân dân tệ (1,2 triệu đồng) khách cũng tự mua. Khách phải đăng ký trước 1 ngày mới mua được vé xem show nghệ thuật và cầu kính.

Khu du lịch Thiên Môn Sơn nằm trong vườn quốc gia Núi Thiên Môn nổi tiếng với con đường 99 khúc cua tay áo, 12 thang cuốn xuyên lòng núi, 999 bậc thang thẳng đứng lên “cổng trời” Thiên Môn Quan và đường cáp treo dài nhất thế giới 7.400m. Vé trọn gói vào Thiên Môn Sơn khoảng 600 nhân dân tệ (2 triệu đồng) đã có trong tour.

Ở những điểm tham quan này, nơi nào cũng tràn ngập du khách. Nhiều nhất vẫn là khách Trung Quốc, sau đến Việt Nam, Hàn Quốc… Hàng vạn người xếp hàng vào các điểm tham quan nhưng không hề có chuyện chen lấn, xô đẩy, đều phải đi theo hàng zích zắc, chờ đợi 2-3 tiếng là chuyện bình thường. Và tuyệt nhiên không có rác vứt bừa bãi. Nếu du khách nào bị bắt gặp vứt rác không đúng nơi quy định bị phạt 200 nhân dân tệ (680 nghìn đồng), trước khi vào điểm tham quan, khách đã được hướng dẫn viên nhắc nhở về các quy định và phong tục tập quán địa phương.

Trương Gia Giới giống như vùng Lào Cai của Việt Nam, đa số là người dân tộc Thổ Gia, dân tộc Miêu nhưng họ làm du lịch rất chuyên nghiệp. Khi nhập cảnh qua sân bay Hà Hoa (Trương Gia Giới), khách quốc tế không được mang theo các loại thực phẩm (thịt cá, trứng, hoa quả tươi…) nhưng xuất cảnh từ sân bay này thì hoa quả tươi, thịt cá khô mang bao nhiêu cũng được. Chính sách này của Trung Quốc nhằm kích cầu tiêu thụ nông sản trong nước và ngăn chặn thực phẩm bẩn hoặc dịch bệnh từ nước ngoài vào, tăng thu ngoại tệ cho địa phương.

Khách du lịch được khuyến khích tiêu đến đồng cuối cùng trước khi xuất cảnh khỏi Trung Quốc

Những khu du lịch, điểm tham quan, cửa hàng mua sắm ở đây như cỗ máy in tiền. Người Trung Quốc quá giỏi để khuyến khích du khách tiêu đến đồng tiền cuối cùng. Thậm chí, nếu bạn hết tiền mặt, bạn có thể quẹt thẻ visa, nếu thẻ hết, họ sẵn sàng cho bạn mượn, về Việt Nam chuyển khoản trả sau. Ở các cửa hàng đá quý, trà, lụa… đều có người giới thiệu bằng tiếng Việt, cực kỳ lưu loát, cực kỳ dễ chịu. Khách có thể mua, có thể không mua nhưng người bán sẽ nói để khách mua thì thôi và quà tặng rất nhiều. Cũng không có chuyện mỗi nơi một giá mà thường các cửa hàng bắt tay nhau giữ giá cao.

Không cần học đâu xa, cứ mở mắt mà xem người Trung Quốc làm du lịch là rõ. Trong khi tiềm năng du lịch của Việt Nam không hề thua kém Trung Quốc; ẩm thực của Việt Nam cực kỳ phong phú nhưng cách làm thì rõ ràng chúng ta không bằng.

Nghệ thuật làm du lịch của người Trung Quốc đã đạt đến mức, khách không tiếc tiền, thậm chí chi tiêu ngoài tour của khách còn cao hơn giá tour nhưng họ vẫn rất vui vẻ, vì họ thấy xứng đáng.

THÚY HÀ; Ảnh: BÙI TƯỞNG - Báo Văn hóa

 


Bài viết liên quan