HỘI THẢO: GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP DU LỊCH GẮN VỚI THỰC TIỄN


HỘI THẢO: GIẢNG DẠY VÀ HỌC TẬP DU LỊCH GẮN VỚI THỰC TIỄN

Giảng dạy gắn với thực tiễn là xu hướng phát triển của giáo dục Việt Nam, cũng là tiên chỉ đào đạo của Trường Đại học Khoa học trong suốt hành trình phát triển. Tuy nhiên, từ định hướng chung đến những giải pháp cụ thể theo phương châm “thực học gắn với thực hành” là vấn đề không đơn giản, đòi hỏi ở người dạy sự nghiêm túc tìm tòi, nghiên cứu, thực nghiệm, đánh giá toàn diện. Nhận thấy rằng: muốn giảng dạy thực tiễn phải có sự tham khảo ý kiến của chính những người làm nghề thực tiễn, Khoa Du lịch đã tổ chức Hội thảo khoa học với chủ đề: Giảng dạy và học tập du lịch gắn với thực tiễn. Hội thảo diễn ra vào một buổi chiểu cuối năm: ngày 28/12/2019 với sự tham dự của nhiều khách mời có uy tín, hoạt động ở những vị trí nghề khác nhau trong lĩnh vực du lịch: TS. Ngô Trung Hà – Giám đốc Trường Quốc tế Pegasu Phân hiệu Hà Nội, Đào tạo viên cao cấp của Dự án EU về Nâng cao năng lực phát triển du lịch có trách nhiệm ở Việt Nam; ThS Tống Minh Vương – Giám đốc công ty Du lịch dân gian Hà Giang; ông Phạm Duy Tiệp – Giám đốc Công ty CP Truyền thông, Sự kiện & Du lịch Đại Sơn; Ông Trần Thanh Nam – Giám đốc Khách sạn Habana, bà Nguyễn Thị Diệu Hồng – Giám đốc Khách sạn Kim Thái; Ông Phan Duy Thắng – Giám đốc Công ty Du lịch Việt Long; Bà Nguyễn Thị Hằng – Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế Minh Hoàng; Bà Trần Thị Ngọc Cảnh – P.Giám đốc Công ty Du lịch Quốc tế S9; Bà Hà Thị Chinh – Giám đốc kinh doanh Khách sạn Đông Á – Garden Inn…  

Đúng như tên gọi, Hội thảo đã diễn ra theo cách thức “thực tiễn” nhất, hướng đến việc định hướng cho sinh viên những thái độ, kiến thức kỹ năng cần có trong môi trường làm việc hiện đại, gắn với Bộ Tiêu chuẩn nghề Du lịch quốc gia VTOS. Đó là sự chia sẻ thẳng thắn của ông Phạm Duy Tiệp – Giám đốc Công ty CP Truyền thông, Sự kiện và Du lịch Đại Sơn về những thách thức và cơ hội của nhân lực du lịch Việt Nam nói chung và Thái Nguyên nói riêng trong bối cảnh hiện nay. Đó là lời dặn dò mang tính chất “mở đường” của giám đốc Khách sạn Habana, rằng “các bạn hãy mạnh dạn, gõ cửa những khách sạn lớn, những nhà tuyển dụng khó tính nhất” vì “hôm nay các em là thực tập, là người học việc không lương, nhưng ngày mai các em rất có thể sẽ là nhân viên chủ chốt của họ”. Đó là lời khuyên về việc “đóng gói cảm xúc gửi đến khách hàng” bằng một sự tâm huyết cũng đầy cảm xúc của  Giám đốc Khách sạn Kim Thái. Đó là câu chuyện tưởng như tản mạn về hành trình đến với nghề, hành trình dẫn khách trên những cung đường vùng cao của hai nhà điều hành du lịch đến từ Hà Giang – Di sản cao nguyên đá. Những người được mệnh danh “người kể chuyện đồng bào tôi” ấy, hôm nay lại kể chuyện cho “sinh viên tôi” về nghề, về niềm vui, nỗi vất vả và cả những kinh nghiệm xử lý tình huống đầy thực tế mà bất cứ người làm du lịch nào cũng có thể gặp phải. Đặc biệt, là một nhà đào tạo cao cấp, thầy giáo, tiến sĩ Ngô Trung Hà đã đem đến những phút giây tập trung cao độ khi tỉ mỉ hướng dẫn sinh viên cách đứng, cách đi, cách cúi chào, cầm điện thoại… của một nhân viên du lịch theo tiêu chuẩn cập nhật nhất. Rồi chính thầy lại làm bùng nổ hội trường với màn thị thạm “Gấp khăn ăn hình hoa súng”, phương pháp giảng dạy vừa chuẩn mực, chuyên nghiệp, vừa hài hước, gần gũi. Tất cả tiếng nói của người tham dự đều trăn trở về phương pháp giảng dạy và học tập du lịch gắn với thực tiễn và gửi gắm trong bối cảnh ngành du lịch trong nước và thế giới ngày càng phát triển mạnh mẽ.

Chiều cuối năm người người vội vã, chiều ngày 28 tháng 12 ấy lại càng vội vã hơn với dân Du lịch vởi đó là cuối tuần, thời điểm chạy đua với tour, với khách, với những cuộc điện thoại. Trân quý biết bao tâm huyết của những vị khách mời đã đến để cháy hết mình với sinh viên Du lịch Trường Đại học Khoa học. Và như hiểu được giá trị ấy, mà dù Hội thảo diễn ra ngay trước thềm mùa thi nhưng gần như 100% người đến dự đã ngồi lại đến phút cuối cùng, thậm chí nhiều sinh viên tan lớp muộn còn vội vàng đến để cố lắng nghe khi chỉ thời gian chỉ còn mươi phút. Hội thảo Khoa học “Giảng dạy và học tập Du lịch gắn với thực tiễn” là một trong những hoạt động cuối cùng khép lại năm 2019 của Khoa Du lịch với nhiều cảm xúc và dư âm. Xin được kết thúc bài viết với lời chia sẻ của Tiến sĩ Ngô Trung Hà – Giám đốc Trường Quốc tế Pegasu Phân hiệu Hà Nội: “Chúc Khoa Du lịch – Trường Đại học Khoa học – Đại học Thái Nguyên phát triển nhanh và mạnh hơn với các tâm huyết được chia sẻ từ các doanh nghiệp, đối tác. Cơ hội kết nối tuyệt vời, kinh nghiệm hữu ích mà cực kỳ chí tình và rất thân thiện với sinh viên từ các doanh nghiệp. Quá tuyệt vời cho 1 buổi chiều hội ngộ!!!”.

Dưới đây là một số hình ảnh buổi hội thảo:

Ảnh 1: Khách mời chia sẻ nghiệp vụ nghề tại Hội thảo

Ảnh 2: TS. Ngô Trung Hà – Giám đốc Trường Quốc tế Pegasu Phân hiệu Hà Nội, Đào tạo viên cao cấp của Dự án EU về Nâng cao năng lực phát triển du lịch

có trách nhiệm ở Việt Nam chia sẻ nội dung về Bộ tiêu chuẩn nghiệp vụ nghề VTOS

Ảnh 3: Thực hành nghiệp vụ theo chuẩn VTOS tại Hội thảo

Ảnh 4: ThS Tống Minh Vương – Giám đốc công ty Du lịch dân gian Hà Giang cùng các công sự đến dự và chia sẻ tại Hội thảo

Ảnh 5: Cán bộ giảng viên, sinh viên và khách mời chụp ảnh lưu niệm

Gv. Nguyễn Thị Suối Linh – Khoa Du lịch

 


Bài viết liên quan