Báo Mỹ: Việt Nam đang chiếm ưu thế trong phục hồi du lịch


Việt Nam vừa được Tạp chí du lịch nổi tiếng của Mỹ là Travel + Leisure bình chọn vào tốp điểm đến hàng đầu thế giới sau dịch Covid-19, bởi lợi thế cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp, giá cả hợp lý và đang kiểm soát tốt tình hình dịch.

Theo tạp chí này, Việt Nam là quốc gia giàu văn hóa, sôi động với những bãi biển nhiệt đới tuyệt đẹp và ẩm thực đường phố hấp dẫn. Trong tốp các điểm đến du lịch do tạp chí này bình chọn còn có Philippines, Santorini (Hy Lạp), Rome (Italia), London (Anh) và Paris (Pháp)… Việc được các tạp chí du lịch quốc tế uy tín bình chọn cho thấy sức thu hút của các điểm đến của Việt Nam với khách quốc tế.

Trước đó, do ảnh hưởng của dịch Covid-19, hoạt động du lịch chuyển sang hình thức du lịch trực tuyến, trang báo nổi tiếng The Guardian của Anh cũng bình chọn cảnh quan hùng vĩ của hang Sơn Đoòng (tỉnh Quảng Bình) vào tốp 10 tour du lịch thực tế ảo đáng tham quan nhất thế giới.

Một góc Quần đảo Nam Du.

Báo Skift của Mỹ có bài viết nhận định tình hình khôi phục du lịch của Việt Nam sau dịch COVID-19. Tuổi Trẻ Online lược dịch:

Chỉ với 270 ca nhiễm và không ca tử vong, Việt Nam nổi lên như quốc gia Đông Nam Á đầu tiên bước chân ra khỏi dịch bệnh, trước cả các nước khác trong khu vực như Singapore hay Thái Lan.

Từ khi nới lỏng vào ngày 23-4, các chuyến bay nội địa đã hoạt động trở lại. Xe buýt, xe lửa, nhà hàng và cửa hàng bán lẻ cũng vậy. Vietnam Airlines đang thảo luận với Chính phủ để nối lại một số chuyến bay quốc tế vào tháng 6.

Những nỗ lực tạo ra vùng du lịch biệt lập cùng Trung Quốc và Hàn Quốc đang được thực hiện. Nếu thành công, việc này sẽ giúp du lịch Việt Nam vượt lên Thái Lan.

Hội đồng tư vấn du lịch (TAB), một tổ chức phi lợi nhuận bao gồm các nhà lãnh đạo và các bên liên quan, đã yêu cầu chính phủ sớm tổ chức các cuộc đàm phán song phương với các thị trường chính yếu, theo ông Kenneth Atkinson, phó chủ tịch TAB.

"Thị trường mà Việt Nam cần nhất lúc này là Trung Quốc và Hàn Quốc. Sau đó là Úc, New Zealand, Singapore và Đài Loan", ông Atkinson cho biết.

Khách Trung Quốc và Hàn Quốc chiếm tổng cộng 55% lượng khách du lịch đến Việt Nam, nên hai thị trường này rất quan trọng. Trong số 18 triệu lượt du khách tới Việt Nam vào năm ngoái, có 6 triệu lượt là người Trung Quốc và 4 triệu lượt người Hàn Quốc.

Hành lang du lịch như vậy sẽ mở ra cơ hội cho kinh doanh và giải trí. Nhiều công ty sản xuất đã chuyển từ Trung Quốc sang Việt Nam. Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) phản ánh từ du lịch. Nếu du lịch phát triển, FDI sẽ đổ về và dòng tiền du lịch sẽ chảy trở lại.

Nhưng ông Atkinson cũng cho biết thực tế mô hình du lịch biệt lập có thể tan vỡ. "Các mô hình đều có thách thức riêng. Ví dụ, Thượng Hải đã kiểm soát được dịch, làm sao để đảm bảo hành khách trên chuyến bay Thượng Hải đến Việt Nam đều là người Thượng Hải?", ông Atkinson giải thích.

Ngoài ra, còn có lo ngại về làn sóng dịch thứ hai, khi Trung Quốc và Hàn Quốc tiếp tục có ca nhiễm mới. Tuy nhiên, ông Atkinson hi vọng Việt Nam sớm mở cửa biên giới lưu thông hàng hóa với Trung Quốc.

Du lịch nội địa

Triển vọng phục hồi du lịch nội địa của Việt Nam, như từng làm sau dịch SARS năm 2003, cũng tỏ ra đầy sáng sủa.

Theo dữ liệu từ Indochina Capital, lượng đặt phòng khách sạn và Airbnb trong kỳ nghỉ 30-4 và 1-5 tăng cao ở các thành phố lớn của Việt Nam.

Ông Michael Piro, người sở hữu một số quán bar và nhà hàng ở TP.HCM, cho hay khi họ mở cửa lại gần đây, doanh số còn tốt hơn trước khi có dịch bệnh.

"Mặc dù còn sớm, tôi biết người dân đang háo hức ra khỏi nhà. Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt trong việc khơi dậy niềm tin. Khi mọi người thấy tình hình được kiểm soát, họ sẽ muốn ra khỏi nhà", ông Piro bình luận.

Khoảng 40% trong số 96 triệu dân Việt Nam là người dưới 25 tuổi. Năng động, khỏe mạnh, am hiểu công nghệ và chấp nhận rủi ro, họ là một phần của 85 triệu chuyến du lịch nội địa năm ngoái.

Thị trường du lịch nội địa của Việt Nam phát triển là nhờ tốc độ tăng trưởng GDP 11% kể từ năm 2000, một trong những nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Một yếu tố nữa là Chính phủ đầu tư 11% GDP vào cơ sở hạ tầng như đường sá.

Tờ Skift nhận định: không có quốc gia nào ở Đông Nam Á chi nhiều tiền hơn cho cơ sở hạ tầng so với Việt Nam. Michael Piro cho biết 60% du lịch nội địa nằm ở đường bộ, dù du lịch hàng không cũng được kích thích bởi sự tăng trưởng của hàng không giá rẻ như Vietjet hay Jetstar.

Thay đổi vai trò

Việt Nam đang ở vị trí mới so với Thái Lan trong việc thu hút du khách Trung Quốc và Hàn Quốc thời hậu COVID-19.

Việt Nam chỉ mất 7 năm để tăng từ 6 triệu lượt du khách lên 15 triệu, trong khi Thái Lan mất 15 năm.

Việt Nam đang có ưu thế là nước được cho là an toàn sau dịch bệnh, và cũng được xem là điểm đến du lịch mới hơn Thái Lan.

"Sau khi bị nhốt quá lâu trong nhà, mọi người sẽ tìm kiếm những chuyến đi và trải nghiệm nhiều hơn. Với bờ biển dài 3.000km và nhiều địa hình khác nhau, du khách có thể ở trong hang động, thăm thác nước, núi non, cánh đồng lúa, bãi biển, sông MeKong trong vòng một tuần", ông Piro nhận định.

Nguồn: Tổng cục Du lịch và Báo Tuổi trẻ 

https://dulich.tuoitre.vn/bao-my-viet-nam-dang-chiem-uu-the-trong-phuc-hoi-du-lich-20200513151839681.htm?fbclid=IwAR2aqYBxMNmbfDMYfBp8eCVxsuAeI4EXHiuJDehx_k08WjVhLX1ddezt7EE

 


Bài viết liên quan