Để trở thành "thiên đường du lịch" như ngày nay, Thái Lan đã tận dụng mọi tiềm lực của mình như: đầu tư cơ sở vật chất, quảng bá hình ảnh tốt và luôn đổi mới, hướng tới tiêu chuẩn quốc tế,...
1. Đầu tư cơ sở vật chất
Trong những thập niên vừa qua, Chính phủ Thái Lan đã đầu tư rất mạnh cho giao thông công cộng, nổi bật là việc xây dựng hệ thống tàu điện trên không Skyrail, giúp cho việc đi lại trong thành phố đơn giản, thuận tiện hơn rất nhiều. Đường sá, đường ray được bảo trì, làm mới đã khiến thành phố càng trở nên thân thiện hơn với khách du lịch nước ngoài khi đặt chân đến "xứ sở Chùa Vàng".
2. Quảng bá hình ảnh tốt và luôn đổi mới
Chính phủ Thái Lan có chính sách quảng bá du lịch rộng rãi, liên tục tổ chức các hội chợ du lịch, đưa ra nhiều ưu đãi, mời các đơn vị truyền thông quốc tế tới tham quan... nhằm thu hút du khách đến với Thái Lan. Ngành du lịch Thái Lan luôn biết cách tạo ra những sản phẩm du lịch mới, hấp dẫn hơn, quy mô hơn... nhằm lôi kéo khách quay lại.
3. Người dân có ý thức làm du lịch cao và rất hiếu khách
Mỗi người dân Thái Lan đều có ý thức rất cao hướng tới việc phát triển du lịch mang tầm quốc tế. Hầu như ai cũng nói được tiếng Anh, từ những người bán đồ ăn trên phố tới những tài xế tuk tuk. Tại hầu hết các điểm du lịch, luôn có bảng hướng dẫn bằng tiếng Anh dành cho du khách.
Bên cạnh đó, mọi người dân đều rất cởi mở, sẵn lòng giúp đỡ khách du lịch. Khi bạn hỏi đường, họ chỉ dẫn rất tận tình, thậm chỉ còn gọi điện cho người có vốn tiếng Anh tốt hơn để chỉ đường cho bạn. Gần như không hề có hiện tượng làm giá, chèo kéo khách, nhập nhèm trong các dịch vụ du lịch, dù là của các đơn vị, công ty hay cá nhân.
4. Khách hàng thực sự là thượng đế
Đến Thái Lan, du khách hầu như chẳng bao giờ thấy những người bán hàng cau có. Dù du khách có mua đồ, mặc cả “siết”, người dân Thái vẫn nở nụ cười và nói những câu thật ngọt ngào, nhẹ nhàng. Đặc biệt, ở những khu chợ như Chatukchak, du khách thoải mái nói ra yêu cầu mua hàng của mình, dù là kỳ quặc nhất, những người bán hàng chẳng bao giờ phàn nàn mà chỉ tìm cách thực hiện yêu cầu nói. Chẳng sai khi nói Thái Lan là “đất nước của những nụ cười”.
5. Phát triển du lịch đường sông
Bangkok là một trong những thành phố tận dụng tốt nhất tài nguyên sông nước của mình. Con sông Chao Phraya trở thành một đường giao thông dành cho người dân đi lại, chuyên chở trong thành phố. Dòng sông cũng được tận dụng trong nhiều tour du lịch khám phá thành phố, mang lại nhiều lợi nhuận cho Thái Lan.
6. Phát triển ẩm thực đường phố
Không chỉ những nhà hàng, quán ăn xa hoa mới mang lại nguồn lợi nhuận. Ở Bangkok, văn hóa ẩm thực đường phố đóng một vai trò vô cùng quan trọng. Đồ ăn tươi đủ loại được bán trên khắp các đường phố, dậy hương thơm và rất bắt mắt, thu hút đông đảo tâm hồn ẩm thực tới Thái Lan.
7. Yêu cầu sự tôn trọng
Người làm dịch vụ ở Thái Lan coi khách hàng là thượng đế, nhưng họ cũng đòi hỏi ở du khách sự tôn trọng đối với hoàng gia của họ. Đừng bao giờ nói xấu vua Thái Lan hay các thành viên trong gia đình hoàng tộc bởi hành động này được coi là vô cùng khiếm nhã. Với việc yêu cầu sự tôn trọng này, du khách cũng thận trọng và có ý thức giữ gìn hơn khi bước vào các công trình hoàng gia.
8. Định hình rõ nét về bản sắc
Ẩm thực Thái Lan định hình rõ nét trong suy nghĩ của du khách qua các món lẩu Thái, tom yum goong... với độ nồng về gia vị. Các nhà hàng Thái xuất hiện khắp nơi trên thế giới và được nhiều du khách ưa chuộng. Nói đến du lịch Thái Lan, du khách sẽ nghĩ về khu phố đèn đỏ Patbong ồn áo náo nhiệt. Được Chính phủ công nhận từ năm 2004, Patpong luôn phải đảm bảo phải hoạt động trong khuôn khổ quy định, niêm yết giá cả, các nhân viên cần được khám sức khỏe thường xuyên. Dẫu vậy những sexy show vẫn âm thầm diễn ra và thu hút một lượng lớn khách hàng, trở thành một trải nghiệm thú vị nhưng cũng đầy rủi ro nếu bị cảnh sát bắt.