KHOA DU LỊCH - ĐÀO TẠO GẮN VỚI THỰC TIỄN


Giảng viên năng động, bám sát thực tiễn

Vừa qua, chúng tôi có dịp trải nghiệm tour du lịch văn học – văn hóa tâm linh do Khoa Du lịch làm đơn vị dẫn tour. Trọn một ngày, được sống trong không gian của làng quê Bắc Bộ, đến với Từ đường nhà thơ Nguyễn Khuyến tại làng Vị Hạ, xã Trung Lương (Bình Lục, Hà Nam), Khu tưởng niệm nhà văn, liệt sĩ Nam Cao được đặt tại quê nhà – làng Đại Hoàng, nay là thôn Nhân Hậu, xã Hòa Hậu (Lý Nhân, Hà Nam), qua đó hiểu thêm về con người và cuộc đời của hai nhà thơ, nhà văn lớn; tham quan, chiêm bái Quần thể kiến trúc tâm linh Phủ Dầy (Vụ Bản, Nam Định), nơi thờ Thánh Mẫu Liễu Hạnh, một trong tứ bất tử của người Việt, gắn với Thực hành Tín ngưỡng thờ Mẫu Tam phủ – Di sản văn hóa phi vật thể được thế giới vinh danh. Ấn tượng của đoàn là sự nhiệt tình, chu đáo của giảng viên Hoàng Thị Phương Nga – người hướng dẫn viên đã lo chu tất từ chỗ ngồi, nước uống, điểm đi, điểm nghỉ suốt hành trình; đặc biệt là vốn kiến thức văn hóa sâu rộng mà chị truyền tải tới người nghe.

 

“Vừa dạy vừa làm” như chị Phương Nga không phải là chuyện hiếm ở Khoa Du lịch, ngược lại còn là điều kiện để đứng lớp. Mỗi giảng viên của Khoa bắt buộc phải làm, phải thị phạm, từ kinh nghiệm thực tiễn khái quát thành lý thuyết giảng dạy, qua đó mới đủ tự tin đứng trên bục giảng, tạo ra điểm tựa niềm tin cho học trò.
Trên thực tế, các thầy cô tại Khoa, nếu dạy về Nhà hàng – Khách sạn phải trực tiếp tham gia làm việc trong môi trường nhà hàng, khách sạn; dạy về Lữ hành – Hướng dẫn phải trực tiếp dẫn tour, làm cộng tác viên các công ty du lịch… Rất nhiều giảng viên của Khoa đã ứng dụng linh hoạt việc “vừa dạy vừa làm”, không chỉ làm cộng tác viên lấy kinh nghiệm mà họ còn chủ động kinh doanh nhà hàng – khách sạn, mở công ty du lịch.
Được Khoa cũng như các công ty du lịch trong và ngoài tỉnh đánh giá cao không phải qua lời khen mà ở tần suất hoạt động, số tour mà chị Phương Nga dẫn; song cùng lúc làm hai công việc giảng dạy và dẫn tour, áp lực là rất lớn. Có những chuyến quá căng về lịch trình, đường đi vất vả, hôm sau còn phải đứng lớp, hướng dẫn xong rất… nản! Nhưng bù lại, sau mỗi chuyến đi, chị thấy mình “lớn” dần lên, được mở rộng tầm mắt, nâng cao khả năng giao tiếp, khả năng xử lý tình huống, kiểm soát những rủi ro có thể xảy ra trong tour… Những điều này làm nên vốn kinh nghiệm thực tế để chia sẻ với sinh viên.
Là một đơn vị đào tạo, xong lại đứng ra nhận dẫn tour, lý giải về điều này PGS.TS Phạm Thị Phương Thái, Phó Hiệu trưởng, Trưởng Khoa Du lịch cho biết: Ý tưởng nhận dẫn tour được ấp ủ từ thời tiền thân của Khoa là bộ môn Du lịch, trực thuộc Khoa Văn – Xã hội cũ. Lúc bấy giờ, chúng tôi đã nghĩ đến chuyện cần phải liên kết hai bộ môn du lịch và văn học để thiết kế những tour thiên về trải nghiệm văn hóa – văn học. Nhưng phải đến khi chính thức thành lập Khoa Du lịch, ý tưởng mới thành hiện thực. Tuy nhiên việc nhận dẫn tour gần như phi lợi nhuận, giá thành chỉ đảm bảo đủ chi trả toàn bộ chuyến đi, thù lao cho hướng dẫn viên, chứ lợi nhuận về Khoa không có. Bởi mục đích của Khoa là tạo thêm nhiều cơ hội cho giảng viên được hòa vào dòng chảy, hơi thở của ngành Du lịch, qua đó đúc rút, làm giàu vốn kinh nghiệm bản thân.
Các giảng viên của Khoa vốn đã được đào tạo nghiệp vụ bài bản, lại thường xuyên phải tự trau dồi kiến thức, nghiên cứu sâu rộng về nhiều lĩnh vực xã hội – nhân văn. Cùng với lưng vốn ấy là tình yêu, niềm say nghề, tất cả đã tạo điều kiện thuận lợi để các giảng viên không chỉ làm tốt công việc dẫn tour mà còn có thể truyền đạt nhiều thông điệp ý nghĩa, những vỉa tầng văn hóa sâu rộng tới du khách.
Bên cạnh thuận lợi, Khoa cũng gặp không ít khó khăn khi triển khai dịch vụ. Bản thân Khoa chỉ là đơn vị dẫn tour, còn chất lượng sản phẩm du lịch lại phụ thuộc vào địa phương. Nhiều điểm đến do khách hàng lựa chọn hay Khoa chủ động xây dựng, thực tế lại tồn tại những bất cập, sản phẩm du lịch nghèo nàn, không như những thông tin mà điểm du lịch đã quảng bá, giới thiệu, khiến du khách thất vọng. Điều này ảnh hưởng rất nhiều đến việc đánh giá chất lượng dịch vụ. Nó đòi hỏi khi xây dựng tour Khoa phải có sự khảo sát, tìm hiểu thông tin kĩ càng, cũng như việc lựa chọn, tư vấn các điểm đến cho khách. Chủ động thiết kế tour, linh động thay thế điểm phù hợp là giải pháp của Khoa chứ không ngồi chờ sự thay đổi từ phía địa phương.

Đào tạo sinh viên: “cầm tay chỉ việc”
Không chỉ nâng cao nghiệp vụ của giảng viên, mà công tác đào tạo cho sinh viên cũng được Khoa Du lịch chú trọng. Chiến lược đào tạo là “cầm tay chỉ việc”, nghĩa là tại Khoa không đào tạo theo kiểu hàn lâm, thuần lý thuyết mà luôn gắn với thực hành.
Hầu hết các học phần, khối lượng thực hành luôn chiếm tới 50%. Như học Kĩ năng giao tiếp, 45 tiết giảng có tới hơn 20 tiết bắt buộc sinh viên thực hành. Giảng viên có thể để sinh viên ra bảo tàng, tự tìm tòi, thăm thú. Khi về yêu cầu mỗi em đứng thuyết trình trước lớp những gì thu lượm được, kèm slide trình chiếu hình ảnh, khuyến khích dẫn bằng tiếng Anh. Hay với môn Cơ sở văn hóa Việt Nam, do đặc thù sinh viên của Trường chiếm khoảng 40% là dân tộc thiểu số, nên trong giờ học, giảng viên linh hoạt, lúc cho sinh viên làm món ăn vùng miền, khi để các em mặc trang phục truyền thống… được đứng trước lớp giới thiệu về món ăn, trang phục mình mặc với một niềm tự hào dân tộc. Rồi rất nhiều những chuyến đi thực tế như “Qua những miền di sản Việt Bắc”, “Cung đường Tây Bắc anh hùng”, “Non nước Đông Bắc”… Mỗi chuyến đi là một cơ hội để các em “thực hành nghề”. Các em được chia nhóm, bốc bài. Nhóm bài về Lữ hành – Hướng dẫn thì cả hành trình, các em luân phiên nhau vào vai người dẫn tour, giới thiệu từng điểm đến, vùng đất đi qua. Nhóm bài về Nhà hàng – Khách sạn, khi đến chỗ ăn, các em phải “set up” (bố trí) toàn bộ bàn ăn cho Đoàn, và đứng phục vụ như một nhân viên chuyên nghiệp.
Chia sẻ hiệu quả từ những giờ thực hành, sinh viên Tô Ánh Tuyết (Lớp Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành, K16) bày tỏ: “Tham gia học mới gần 1 năm, nhưng thời lượng thực hành các môn nhiều đã giúp em và các bạn trau dồi được nhiều kĩ năng như lắng nghe, giao tiếp, hoạt náo, xử lý tình huống… Cùng với đó, các bài tập thực hành với nhiều chủ đề phong phú, đặt ra cho bản thân em cũng như các bạn yêu cầu là phải nói, phải thuyết trình. Điều đó không chỉ giúp chúng em nâng cao khả năng nói trước đám đông, mà để nói được buộc chúng em phải tự nghiên cứu, tìm hiểu. Từ đó tích lũy được kiến thức một cách tự nhiên mà hiệu quả nhất”.
Phương châm đào tạo của Khoa là cố gắng “quăng” sinh viên ra bên ngoài, “cầm tay chỉ việc” ngay từ năm nhất, để làm sao “kiến tha lâu đầy tổ”, đến năm cuối, các em đủ tự tin, vốn liếng bước chân vào nghề. Và một trong những nỗ lực đưa sinh viên ra bên ngoài của Khoa là thành lập Câu lạc bộ “Bạn yêu du lịch”. Dù chỉ đang chạy thử nghiệm, song Câu lạc bộ hiện đã có 25 thành viên với sự đồng hành của Ban Cố vấn gồm 5 thầy cô, trở thành một sân chơi bổ ích và lý thú cho sinh viên được cọ xát thực tế, chia sẻ, học hỏi kinh nghiệm, phát huy năng lực bản thân.
Sắp tới Khoa được giao đào tạo thêm ngành Quản lý văn hóa, PGS.TS Phạm Thị Phương Thái cho biết: “Đó là một thuận lợi cho Khoa, bởi văn hóa là nền tảng của du lịch, là người bạn song hành. Muốn phát triển du lịch phải giữ được yếu tố văn hóa, và văn hóa giữ được cũng một phần do du lịch quảng bá. Hiện nay xã hội đang rất cần nhân lực hoạt động trong lĩnh vực du lịch, nhà trường đã giao trọng trách đấy cho Khoa. Mong muốn của Khoa là đào tạo nguồn nhân lực không chỉ làm được việc mà còn có niềm đam mê, tâm huyết, có đủ kiến thức, kĩ năng để truyền tải những thông điệp về sự tự hào, tự tôn đối với dân tộc, con người, đất nước Việt Nam”.

                                                                                                           (Theo Bích Hồng - Văn Nghệ Thái Nguyên)


Bài viết liên quan